Top 6 cách nướng vịt bằng nồi chiên không dầu siêu đỉnh

Nếu bạn vẫn đang thắc mắc chưa biết hôm nay ăn gì, thì hãy kéo xuống và tham khảo ngay bài viết này. Mình sẽ bật mí đến bạn tuyệt chiêu độc quyền những cách nướng vịt bằng nồi chiên không dầu cực hấp dẫn.

Những món ăn từ vịt và được chế biến cùng nồi chiên không dầu cực đỉnh.
Những món ăn từ vịt và được chế biến cùng nồi chiên không dầu cực đỉnh.

6 cách nướng vịt bằng nồi chiên không dầu thơm ngon, độc đáo

Có thể bạn chưa biết, trong thịt vịt chứa khá nhiều khoáng chất giúp cơ thể cân bằng và phát triển. Chưa kể, mỡ vịt được đánh giá có thể giảm được cholesterol xấu (hay có tên gọi là cholesterol LDL) có trong những người bị rối loạn mỡ máu. Chính vì thế, bạn có thể hoàn toàn yên tâm khi thưởng thức thực phẩm giàu dinh dưỡng này mà không lo về cân nặng.

Sau đây, mình sẽ bắt đầu giới thiệu đến bạn 6 cách nướng vịt bằng nồi chiên không dầu cực kì đơn giản dễ làm nhé!

Vịt nướng muối ớt bằng nồi chiên không dầu cực cuốn

Vịt nướng muối ớt cực hấp dẫn cho những ngày mưa.
Vịt nướng muối ớt cực hấp dẫn cho những ngày mưa.

Vịt nướng muối ớt bằng nồi chiên không dầu là món đầu tiên mình sẽ hướng dẫn đến các bạn. Với công thức cực kì ngon, chắc chắn bạn sẽ quên đi vịt nướng ngoài hàng quán và chỉ thích làm tại nhà vì quá đơn giản.

Chuẩn bị nguyên liệu:

  • Vịt xiêm (hay còn gọi là ngan): 1 con (khối lượng tùy thuộc dung tích nồi chiên không dầu của bạn. Thường sẽ dao động 900g – 1kg2).
  • Rượu trắng.
  • Gừng.
  • Tỏi: 70g.
  • Ớt hiểm: 30g.
  • Đầu hành lá: 20g.
  • Ngò rí: 10g.
  • Hành tím: 30g.
  • Ớt sừng (loại không cay): 30g.
  • Hạt nêm Knorr: 20g.
  • Đường cát trắng: 10g.
  • Bột ngọt: 40g.
  • Tương ớt Chinsu: 10g.
  • Nước mắm.
  • Dầu điều.
  • Sốt ướp thịt nướng Lee Kum Kee.
Nguyên liệu tạo nên món vịt nướng muối ớt cực bắt cơm.
Nguyên liệu tạo nên món vịt nướng muối ớt cực bắt cơm.

Sơ chế nguyên liệu:

Bước 1: sơ chế vịt
  • Vịt xiêm bạn nên mua loại sống và đã được làm sạch ở chợ để tiết kiệm thời gian sơ chế.
  • Bạn chuẩn bị gừng giã nhuyễn, rượu trắng vào chén nhỏ. Thoa đều hỗn hợp rượu trắng và gừng lên vịt để khử mùi hôi. Dùng dao nhỏ cạo lại lớp da để loại bỏ nhớt dơ trên bề mặt cũng như làm sạch lông tơ và bên trong nội tạng vịt.
  • Rửa lại thật kỹ dưới vòi nước sạch và để ráo.
Bước 2: làm nước sốt ướp vịt

Chuẩn bị một chiếc bát để pha chế sốt muối ớt nướng thần thánh – linh hồn của món vịt nướng muối ớt hôm nay. Công thức như sau:

  • Tỏi và hành tím lột vỏ, băm nhuyễn. Ớt hiểm, ớt sừng bỏ bớt hạt, thái khoanh mỏng.
  • Ngò rí, đầu hành lá bỏ phần rễ và phần sâu hư, rửa sạch với nước sau đó để ráo, cắt nhỏ.
  • Cho vào máy xay sinh tố: 1 muỗng canh nước mắm, 15ml dầu điều, 1 muỗng canh sốt ướp thịt nướng Lee Kum Kee, tương ớt Chinsu, bột ngọt, đường cát trắng, hạt nêm cùng tỏi, hành tím, ngò rí, ớt hiểm, ớt sừng và đầu hành đã băm nhỏ. Chỉnh chế độ máy xay chắc chắn các nguyên liệu được xay nhuyễn và trộn đều cùng nhau.
Bước 3: ướp vịt
Cho từ từ sốt ướp lên thịt vịt, dùng tay xoa bóp kỹ và nhẹ cho gia vị thấm đều.
Cho từ từ sốt ướp lên thịt vịt, dùng tay xoa bóp kỹ và nhẹ cho gia vị thấm đều.
  • Vịt đã ráo nước, bạn dùng xiên đâm lên bề mặt lớp da để khi ướp thịt sẽ được thấm đều gia vị sốt.
  • Sử dụng găng tay lấy sốt và thoa đều lên thịt vịt. Đây là quá trình khá quan trọng cần sự tỉ mỉ nhất trong cách làm vịt nướng muối ớt. Bạn vừa thoa, vừa mát xa và bóp nhẹ thịt để sốt có thể dễ dàng thấm sâu vào trong.
  • Lưu ý chừa lại một phần nước sốt, để khi nướng chúng ta sẽ quét lên vịt lần nữa.
  • Khi chắc chắn phần thịt đã được thoa đều sốt, đặt vịt vào thau nhỏ. Dùng màng bọc thực phẩm đậy kín và để vịt nghỉ trong 45 phút.

Vịt nướng muối ớt cùng nồi chiên không dầu

Bước 1: Làm nóng nồi chiên không dầu với nhiệt độ 180 độ C cùng thời gian 3 phút.

Tip nhỏ: bạn có thể lót một tấm giấy bạc phía dưới khay nướng. Khi dầu mỡ từ thịt vịt chảy ra sẽ không bám dính lấy đáy nồi, làm việc tẩy rửa trở nên khó khăn cũng như bảo vệ tuổi thọ chiếc nồi của bạn lâu hơn.

Bước 2: Mở khay nướng và đặt vịt vào. Do phần làm nóng của nồi sẽ nằm ở phía trên, nên bạn cần đặt vịt sao cho vừa lòng nồi. Tránh để thịt sát phần trên của nồi quá nhiều sẽ làm cháy da vịt nhưng bên trong chưa chín.

Bước 3: Nướng lần 1:

  • Điều chỉnh nhiệt độ 150 độ C và thời gian là 30 phút.
  • Sau 30 phút, bạn nhẹ nhàng kéo khay nướng ra khỏi thân nồi, dùng cọ quét đều lên thịt vịt một lớp sốt mỏng. Sẵn kiểm tra xem thịt đã chín đều chưa, dùng kẹp gặp lật mặt dưới của thịt lên.

Bước 4: Nướng lần 2: Khi thịt đã hơi vàng và chín vừa, bạn tiếp tục để vịt trong khay nướng. Đẩy khay vào lại trong thân nồi, điều chỉnh tiếp nhiệt độ 180 độ C và 5 phút để làm căng giòn da vịt.

Cùng thưởng thức vịt nướng muối ớt ngon xoắn lưỡi

Thịt vịt sau khi nướng chín sẽ toả vị thơm ngào ngạt cùng màu sắc bắt mắt. Món vịt nướng muối ớt sẽ hấp dẫn hơn khi ăn kèm bánh mì nóng hổi. Hãy cùng gia đình thưởng thức ngay thôi nào!

Vịt nướng mật ong cùng nồi chiên không dầu thơm ngon

Vịt nướng mật ong bằng nồi chiên không dầu bóng bẩy.
Vịt nướng mật ong bằng nồi chiên không dầu bóng bẩy.

Món ngon thứ hai cũng rất gần gũi đó là vịt nướng mật ong được làm từ nồi chiên không dầu. Với món ăn này, bạn có thể thực hiện để thiết đãi khách đến nhà hay những dịp đặc biệt cũng rất hấp dẫn.

Chuẩn bị nguyên liệu:

  • 1/2 con vịt hoặc 1 con tùy kích thước nồi chiên không dầu. Ở đây mình sẽ sử dụng một con vịt nhỏ với khối lượng 900g.
  • Gừng, tỏi.
  • Bột quế.
  • Bột súp gà hoặc bột nêm Knorr.
  • Bột ngũ vị hương.
  • Dầu hào.
  • Mật ong.
  • Nước tương, muối ăn.
  • Hắc xì dầu.
  • Lá chanh, hành tím, hồi, quế cây, bột nghệ, dầu điều.
Các nguyên liệu chính tạo nên món vịt nướng mật ong thơm ngon, đơn giản.
Các nguyên liệu chính tạo nên món vịt nướng mật ong thơm ngon, đơn giản.

Sơ chế nguyên liệu:

Bước 1: sơ chế vịt
  • Thịt vịt khi mua về bạn cũng sử dụng gừng cùng rượu trắng để khử mùi hôi.
  • Sau đó, bạn đặt vịt dưới vòi, xả nước mạnh để rửa thật sạch vịt và để ráo.
Bước 2: làm sốt

Chuẩn bị một chiếc chén nhỏ và thực hiện làm phần sốt cho món vịt nướng mật ong.

  • Đầu tiên, bạn sẽ cho ½ muỗng canh dầu hào cùng ½ muỗng canh mật ong, ½ muỗng cà phê nước tương và ½ muỗng cà phê hắc xì dầu. Bạn dùng muỗng nhỏ trộn thật đều hỗn hợp trên.
  • Tiếp đến, bạn sẽ cho gừng và tỏi giã nhuyễn, bột quế, bột súp gà, ngũ vị hương, mỗi thứ ½ muỗng cà phê vào hỗn hợp trên. Vẫn dùng muỗng nhỏ khuấy thật đều để các nguyên liệu được hòa quyện vào nhau.
Bước 3: ướp vịt
  • Bạn đổ hỗn hợp sốt trên vào phần bụng của vịt. Dùng găng tay nilon xoa thật đều cho thịt được thấm sốt.
  • Lưu ý không để dính sốt vào phần da của vịt, nếu có dính, bạn lấy khăn giấy lau cho sạch nhé! Dùng xiên để may lại phần bụng của vịt, để sốt không chảy ra ngoài.
  • Bạn hãy đặt thịt vào ngăn mát tủ lạnh trong vòng 6 – 8 tiếng.
  • Sau 6 – 8 tiếng, bạn lấy vịt ra, dùng khăn giấy thấm khô nước.
Bước 4: luộc vịt
  • Chuẩn bị một nồi nước sôi, cho lần lượt lá chanh, 2 củ hành tím cắt đôi, hồi, quế cây, bột nghệ. Một ít dầu điều hòa cùng 1 muỗng canh mật ong, ½ muỗng canh dầu hào, 1 muỗng cà phê nước tương, 1 muỗng cà phê hắc xì dầu và khuấy đều.
  • Cho thịt vịt vào luộc nhỏ lửa, dùng vá canh rưới đều mỗi bên 2 phút lên da của vịt cho thấm đều màu.
  • Sau đó vớt vịt ra. Sử dụng quạt hoặc tốt nhất là máy sấy tóc sấy khô phần vịt vừa luộc. Cách làm này sẽ giúp thịt vịt không bị hôi, dễ dàng loại bỏ các phần lông tơ.

Vịt nướng mật ong thơm ngon cùng nồi chiên không dầu

Thịt vịt khi ướp sốt mật ong sẽ có phần da giòn ngọt ngon và đẹp mắt.
Thịt vịt khi ướp sốt mật ong sẽ có phần da giòn ngọt ngon và đẹp mắt.
  • Bước 1: làm nóng nồi chiên không dầu ở nhiệt độ 180 độ C và thời gian là 5 phút.
  • Bước 2: khi nồi đã nóng, bạn đặt vịt vào khay nướng lần 1.
    • Thịt vịt để tránh bị cháy da, bạn nên dùng giấy bạc bọc lại trước khi nướng lần đầu.
    • Điều chỉnh nhiệt độ 150 độ C và thời gian là 30 phút.
  • Bước 3: Sau 30 phút, bạn cẩn thận kéo khay nướng ra khỏi thân nồi, dùng kẹp gắp vịt để ra dĩa. Tháo giấy bạc ra, dùng cọ quét một lớp mật ong lên phần thân và bên trong vịt. Sẵn kiểm tra xem thịt vịt bên trong đã chín đều chưa.
  • Bước 4: nướng lần 2. Đẩy khay vào, điều chỉnh tiếp nhiệt độ 180 độ C và 10 phút.

Thưởng thức vịt nướng mật ong thơm ngon

Thịt vịt nướng mật ong khi chín có màu vàng cánh gián, óng ánh lớp mật ong. Bên trong thịt vịt chín đều, sốt mặn ngọt vừa phải. Khi chặt ra, khói bốc lên từ bên trong thịt vịt cùng mùi thơm nức mũi.

Vịt quay truyền thống bằng nồi chiên không dầu

Vịt quay truyền thống cực bắt mắt, hấp dẫn đến từng miếng thịt.
Vịt quay truyền thống cực bắt mắt, hấp dẫn đến từng miếng thịt.

Nếu bạn và gia đình không thích ăn quá nhiều gia vị thì có thể thử món vịt quay truyền thống được làm từ chiếc nồi chiên không dầu đa năng. Món vịt quay chỉ với các nguyên liệu cơ bản và cách chế biến thì cực kì đơn giản.

Chuẩn bị nguyên liệu

  • Thịt vịt: 1 con – ở đây mình sử dụng vịt đã được làm sạch lông có khối lượng 1kg2.
  • Hành tím: 15g.
  • Sả cây: 2 cây.
  • Gừng.
  • Tỏi: 4 tép.
  • Nước tương: 1 muỗng canh.
  • Dầu hào: 2 muỗng canh.
  • Sa tế: 1 muỗng cà phê.
  • Dầu ăn: 2 muỗng cà phê.
  • Tương ớt: 1 muỗng cà phê.
  • Tiêu xay nhuyễn.
  • Mật ong: 1 muỗng canh.
  • Các gia vị thông dụng khác như: Đường, muối, bột ngọt,…

Sơ chế nguyên liệu:

Bước 1: sơ chế vịt
Khử mùi hôi của việc là bước quan trọng để đảm bảo hương vị món ăn.
Khử mùi hôi của việc là bước quan trọng để đảm bảo hương vị món ăn.

Dùng gừng cùng muối để khử mùi hôi. Sau đó, bạn đặt vịt dưới vòi, xả nước mạnh và dùng dao nhỏ cạo lớp nhớt trên da để rửa sạch vịt và để khô ráo.

Bước 2: làm sốt ướp vịt

Chuẩn bị một chiếc chén nhỏ và thực hiện làm phần sốt ướp cho món vịt quay truyền thống:

  • Sả cây thái mỏng, gừng củ nạo sạch vỏ, tỏi đập dập lột vỏ, hành tím lột sạch vỏ cắt nhỏ.
  • Sử dụng máy xay sinh tố, cho tất cả các nguyên liệu trên vào cùng với nước tương, dầu hào, sa tế, dầu ăn, tương ớt, tiêu và một ít bột ngọt. Khởi động máy xay để làm nhuyễn và trộn đều các nguyên liệu với nhau.
  • Trường hợp bạn không có máy xay sinh tố tại nhà thì có thể trộn bằng tay các nguyên liệu trên.
Bước 3: ướp vịt
  • Mang găng tay nilon và rưới từ từ sốt ướp lên thịt vịt. Bạn lưu ý không đổ hết chén sốt, cần giữ lại ⅓ chén để thoa lên vịt sau lần nướng đầu tiên.
  • Sau khi đã rưới sốt, bạn dùng tay thoa thật đều và massage nhẹ nhàng để vịt được thấm sốt.
  • Khi đã thoa đều sốt, bạn để thịt vịt nghỉ trong thời gian 2 tiếng.

Vịt quay truyền thống hấp dẫn cùng nồi chiên không dầu:

  • Bước 1: Làm nóng nồi chiên không dầu ở nhiệt độ 180 độ C và 3 phút.
  • Bước 2: Đặt vịt vào trong khay nướng lần 1: Điều chỉnh nhiệt độ 150 độ C và thời gian là 30 phút.
  • Bước 3: chén sốt còn lại, bạn hãy thêm vào một ít mật ong và trộn thật đều.
  • Bước 4: Sau 30 phút, bạn cẩn thận kéo khay nướng ra. Sử dụng kẹp gắp lật vịt lại, thoa sốt đã pha mật ong vào phần bên trong. Cuối cùng là thoa phần bên ngoài da, cánh, đùi của vịt một lần nữa.
  • Bước 4: Nướng lần 2, điều chỉnh nhiệt độ 200 độ C và 5 phút.

Thưởng thức vịt quay ngon như nhà hàng:

Vịt quay khi chín sẽ có màu vàng ươm, bóng bẩy đẹp mắt. Khi cắt bên trong vịt ra, bạn sẽ thấy thịt vẫn còn mọng nước sóng sánh chứ không hề bị khô cứng. Chỉ với một khoảng ít thời gian thôi, bạn đã làm được một món vịt quay siêu đỉnh. Quá đơn giản đúng không nào?

Vịt nướng riềng mẻ bằng nồi chiên không dầu

Vịt nướng riềng mẻ cùng nồi chiên không dầu.
Vịt nướng riềng mẻ cùng nồi chiên không dầu.

Mẻ không chỉ là một loại gia vị tăng kích thích vị giác của người dùng. Mà trong mẻ có rất nhiều chất đạm tốt cho sức khỏe. Việc kết hợp mẻ cùng riềng để chế biến món ăn là một lựa chọn khá nhiều người nội trợ ưa thích. Hãy cùng mình chế biến món vịt nướng riềng mẻ bằng nồi chiên không dầu nhé!

Chuẩn bị nguyên liệu:

  • Thịt vịt: nguyên con 1kg4.
  • Củ riềng: 50g.
  • Bột nghệ: 10g.
  • Hành tím: 15g.
  • Sả cây: 3 cây.
  • Tỏi: 15g.
  • Ớt sừng: 2 trái.
  • Ớt chỉ thiên: 4 trái.
  • Mẻ ngấu.
  • Mắm tôm.
  • Đường.
  • Dầu hào.
  • Hạt nêm.
  • Bột ngọt.
  • Mật ong.
  • Nước mắm.
Các nguyên liệu tạo nên món vịt nướng riềng mẻ hấp dẫn.
Các nguyên liệu tạo nên món vịt nướng riềng mẻ hấp dẫn.

Sơ chế nguyên liệu:

Bước 1: sơ chế vịt

Đầu tiên, tất nhiên chúng ta sẽ phải khử mùi hôi và làm sạch vịt (tương tự các hướng dẫn trên).

Bước 2: Chuẩn bị một chiếc chén nhỏ và làm phần sốt riềng mẻ
  • Củ riềng bạn rửa sạch, mang lên bếp lửa nướng sơ cho riềng có mùi thơm. Cạo lớp vỏ đã nướng của riềng ra, dùng dao cắt nhỏ. Do riềng rất cứng, bạn nên cẩn thận kẻo phạm dao vào tay khi cắt. Hành tím, sả cây, tỏi, ớt sừng, ớt chỉ thiên bạn rửa sạch và băm nhuyễn.
  • Cho các hỗn hợp trên vào máy xay sinh tố.
  • Tiếp đó, bạn cho thêm ½ muỗng canh nước mắm, 1 muỗng canh mật ong, một chút bột ngọt, ½ muỗng canh bột nêm, 1 muỗng canh dầu hào, 1 muỗng canh đường, 1 muỗng cà phê mắm tôm vào xay chung.
  • Khi các nguyên liệu đã được xay thật nhuyễn, bạn cho vào 3 muỗng canh mẻ ngấu và tiếp tục cho xay trộn đều lần nữa.
Bước 3: Ướp vịt
  • Mang vịt sau khi đã khô ráo ra, dùng giấy lau khô thịt.
  • Từ từ cho hỗn hợp sốt lên phần thịt vịt. Sau khi đã rưới sốt, bạn dùng tay thoa và massage nhẹ nhàng để vịt được thấm gia vị nhanh.
  • Để vịt nghỉ trong thời gian 4 tiếng, bọc màng thực phẩm và để ở ngăn mát tủ lạnh.
Vịt nướng riềng mẻ cùng nồi chiên không dầu
  • Bước 1: Làm nóng nồi chiên không dầu trong 3 phút trước khi sử dụng.
  • Bước 2: Đặt vịt vào khay nướng và nướng lần 1. Điều chỉnh nhiệt độ 160 độ C và thời gian là 30 phút.
  • Bước 3: Sau thời gian 30 phút, bạn kéo khay nướng, dùng cọ thoa thêm nước sốt lên thịt.
  • Bước 4: Nướng lần 2. Khi đã quét đều hỗn hợp sốt, đẩy khay vào trong thân nồi. Điều chỉnh nhiệt độ 180 độ C và 15 phút.
  • Bước 5: Kéo khay nướng ra kiểm tra xem bên trong thịt đã chín chưa, tiếp tục thoa một lớp sốt mỏng lên bề mặt thịt
  • Bước 6: Nướng lần 3. Chỉnh nhiệt độ 200 độ C trong thời gian 3 phút để làm giòn nhẹ phần da của vịt.

Thưởng thức vịt riềng mẻ chua cay đậm vị

Vịt riềng mẻ nướng cùng nồi chiên không dầu có mùi thơm phưng phức của riềng, sả và màu vàng của nghệ. Khi thưởng thức, bạn sẽ cảm giác được vị chua thanh, cay nhẹ, mặn, ngọt đậm đà trong từng miếng thịt. Đây sẽ là món ăn đặc biệt dành riêng cho gia đình bạn vào dịp cuối tuần.

Vịt nướng lá mắc mật bằng nồi chiên hương vị Tây Bắc

Vịt nướng lá mắc mật - món ăn mang hương vị vùng cao thơm ngon.
Vịt nướng lá mắc mật – món ăn mang hương vị vùng cao thơm ngon.

Tiếp theo đây, chúng ta hãy cùng nhau lên vùng núi cao để thưởng thức món ăn có gia vị đặc trưng của vùng Tây Bắc.

Lá mắc mật với vị chua nhẹ ngọt hậu cùng mùi thơm có chứa tinh dầu khử được mùi tanh, nhất là với các món nướng. Loại lá cây này cũng chứa rất nhiều vitamin C cung cấp dưỡng chức cho cơ thể. Vì vậy, hãy thử ngay món vịt nướng lá mắc mật bằng nồi chiên không dầu. Lạ vị nhưng không kém phần bổ dưỡng theo công thức dưới đây:

Chuẩn bị nguyên liệu

  • Thịt vịt làm sạch: 1kg3 nguyên con.
  • Củ riềng.
  • Lá mắc mật.
  • Củ gừng.
  • Tỏi.
  • Sả cây.
  • Hành tím.
  • Mật ong.
  • Nghệ.
  • Dầu hào.
  • Các gia vị thông dụng: muối, nước mắm, chanh, đường, dầu ăn, hạt nêm, bột ngọt,…

Sơ chế nguyên liệu

Bước 1: sơ chế vịt
  • Sử dụng muối hòa cùng nước cốt chanh và vỏ chanh chà xát lên phần thịt vịt để khử mùi hôi. Trường hợp không có chanh bạn có thể dùng giấm để thay thế. Rửa lại thật sạch cùng nước và để ráo.
  • Để khi ướp vịt được thấm hơn, bạn dùng dao nhọn cắt nhẹ vài đường trên phần thịt vịt (nếu dùng xiên, bạn chỉ cần đâm đều vào thịt).
Bước 2: làm sốt ướp
  • Lá mắc mật bạn rửa thật sạch bụi bẩn và để ráo nước. Bạn lấy ½ số lá mắc mật cắt sợi, giã nhuyễn
  • Nạo vỏ củ gừng, riềng và giã nhuyễn. Tỏi, sả cây, hành tím băm nhuyễn.
  • Dùng chiếc bát con, cho 1 muỗng canh mật mật ong, 1 muỗng cà phê bột nghệ, 1 muỗng canh dầu hào, ½ muỗng canh đường, ½ muỗng canh dầu ăn, 1 muỗng cà phê hạt nêm, một ít bột ngọt và dùng muỗng khoáy thật đều hỗn hợp.
  • Khi hỗn hợp đã hòa tan cùng nhau, bạn cho lá mắc mật giã nhuyễn cùng các nguyên liệu khác như gừng, riềng, sả, tỏi, hành tím vào tiếp tục trộn đều.
Bước 3: ướp vịt
Cách giúp vịt khi nướng có thể thấm gia vị sâu bên trong.
Cách giúp vịt khi nướng có thể thấm gia vị sâu bên trong.
  • Bạn ướp hỗn hợp sốt trên lên bề mặt thịt vịt. Đồng thời số lá mắc mật còn lại, bạn hãy vò nát để cùng sốt vào phần bụng của vịt. Như vậy khi nướng, gia vị sốt sẽ thấm nhiều hơn, làm vịt thơm và ngon hơn.
  • Dùng xiên khâu lại phần bụng để sốt và lá mắc mật không chảy ra ngoài khi nướng.
  • Sau khi đã thoa đều, bạn để thịt vào ngăn mát tủ lạnh từ 5 – 6 tiếng cho vịt ngấm gia vị.

Vịt nướng lá mắc mật cùng nồi chiên không dầu

Thịt vịt sau thời gian thấm gia vị, bạn thực hiện nướng vịt cùng nồi chiên không dầu.

  • Bước 1: Làm nóng nồi chiên không dầu trong 3 phút trước khi sử dụng.
  • Bước 2: bạn cho vịt vào khay chiên của nồi. Nếu muốn vịt ngon, không bị mất nước khi nướng, bạn có thể sử dụng giấy bạc bọc vịt lại rồi đặt vào khay nướng.
  • Bước 3: nướng lần 1 – điều chỉnh mức nhiệt độ 150 độ trong 30 phút
  • Bước 4: sau 30 phút, bạn kéo nhẹ nhàng khay nướng ra, quét một lớp sốt nữa lên bề mặt của vịt. Dùng kẹp gắp lật mặt, giúp thịt vịt có thể chín đều hơn.
  • Bước 5: nướng lần 2. Tiến hành nướng vịt lần 2 với nhiệt độ 180 độ trong vòng 8 – 10 phút, để da vịt được căng giòn, trông bắt mắt và ngon hơn.

Thưởng thức thành quả vịt nướng lá mắc mật

Vịt nướng lá mắc mật với mùi thơm đặc trưng khó cưỡng. Thịt vịt sau khi nướng chín sẽ màu vàng sẫm, bên trong vẫn còn ánh nước mỡ kèm vị mặn ngọt của sốt ướp. Đây chắc chắn sẽ là món ăn ngon đáng cân nhắc cho gia đình.

Vịt nướng chao ngon vô đối cùng nồi chiên không dầu

Vịt nướng chao đậm đà vị ngon quê hương.
Vịt nướng chao đậm đà vị ngon quê hương.

Không phải ai cũng biết tác dụng giảm lượng cholesterol trong cơ thể của chao, nhất là chao đỏ. Thêm vào đó, chao còn được sử dụng làm gia vị của các món nướng tạo sự đậm đà cho món ăn. Chính vì vậy, món ăn cuối cùng mình muốn giới thiệu là món vịt nướng chao bằng nồi chiên không dầu.

Chuẩn bị nguyên liệu

  • Thịt vịt.
  • 2 củ hành tím.
  • 1 củ tỏi nhỏ.
  • Củ gừng.
  • Chao đỏ hoặc chao trắng.
  • Sữa đặc.
  • Hạt nêm.
  • Muối.
  • Đường vàng.
  • Sa tế.
  • Nước cốt chanh.
Chao đỏ là một thực phẩm rất tốt cho sức khoẻ mà không phải ai cũng biết.
Chao đỏ là một thực phẩm rất tốt cho sức khoẻ mà không phải ai cũng biết.

Sơ chế nguyên liệu

Bước 1: sơ chế vịt

Bạn thực hiện khử mùi vịt như các hướng dẫn ở cách làm trên.

Bước 2: làm sốt ướp vịt
  • Băm nhuyễn 2 củ hành tím và tỏi cho vào máy xay sinh tố cùng 2 muỗng canh chao đỏ (hạn chế lấy nước, chỉ lấy cái). Cho thêm 1 muỗng canh sữa đặc, ½ muỗng cà phê sa tế, 15ml nước cốt chanh, 1 muỗng cà phê hạt nêm, 1 muỗng canh đường vàng, một ít muối. Chọn chế độ xay từ từ để các nguyên liệu được nhuyễn và đều.
  • Sử dụng xiên đâm đều lên vịt để khi ướp, thịt sẽ dễ dàng thấm hơn.
  • Dùng găng tay nilon thoa đều hỗn hợp sốt ướp lên vịt. Bạn nên thoa đều tay, bóp nhẹ để thịt vịt được thấm đều gia vị sốt.
  • Với món vịt nướng chao, bạn cần để cho vịt thời gian thấm sốt ướp khoảng 2 – 3 tiếng trong ngăn mát tủ lạnh.

Vịt nướng chao cùng nồi chiên không dầu

  • Bước 1: làm nóng nồi chiên trong 3 phút.
  • Bước 2: đặt vịt đã thấm sốt vào khay nướng và nướng lần 1. Bạn để mực nhiệt độ chế biến cho nồi là 160 độ C cùng thời gian 25 phút.
  • Bước 3: hết thời gian trên, bạn nhẹ nhàng kéo khay nướng ra. Dùng cọ quét sốt ướp lên rồi lật mặt vịt để thịt chín đều.
  • Bước 4: nướng lần 2. Chỉnh nhiệt cho nồi 160 độ C với 15 phút
  • Bước 5: sau 15 phút, bạn dùng xiên kiểm tra bên trong thịt đã mềm chưa và lật lại mặt thịt lần nữa. Thoa tiếp một lớp sốt lên bề mặt.
  • Bước 6: nướng lần 3. Để nhiệt độ 180 độ C trong 2 -3 phút cho vàng da vịt.

Thưởng thức món vịt nướng chao

Thưởng thức món vịt nướng chao thơm ngon nức mũi.
Thưởng thức món vịt nướng chao thơm ngon nức mũi.

Vịt khi nướng chín sẽ tỏa mùi thơm riêng biệt của chao cùng màu vàng sẫm đẹp mắt hấp dẫn. Hương vị mặn, ngọt béo của chao và sữa hòa quyện thấm vào từng sớ thịt vịt. Món thịt vịt ăn kèm rau sống sẽ làm trọn vẹn thêm hương vị của món ăn!

4 bí quyết để nướng vịt bằng nồi chiên không dầu ngon

Để tạo nên một món thịt vịt ngon bằng nồi chiên không dầu, thì ngoài công thức sốt ướp độc đáo, mình sẽ tiết lộ thêm các bí quyết sau:

Bí quyết lựa vịt ngon, khi ăn thịt không bở

Nên chọn vịt sống, chắc thịt và được làm tại chỗ để giữ độ tươi của thịt vịt.
Nên chọn vịt sống, chắc thịt và được làm tại chỗ để giữ độ tươi của thịt vịt.

Nếu lựa vịt sống

Thực tế, bạn nên mua vịt khi còn sống để đảm bảo chất lượng và độ tươi của thịt. Cách để nhận biết vịt sống ngon:

  • Vịt đạt chất lượng là con đã đạt đủ tuổi trưởng thành. Không quá già cũng không quá non. Các con vịt này thường sẽ có các đặc điểm mỏ to nhưng mềm, da ở cổ và da phần bụng có độ dày vừa phải.
  • Các con vịt khỏe mạnh thường sẽ có bộ lông mượt mà, hai cánh sẽ luôn ép sát vào thân mình cùng đôi mắt lanh lợi, không đờ đẫn.
  • Để lựa vịt tươi, nhiều thịt thì bạn hãy cầm ngang thân vịt và sờ thử 2 bên mạng sườn phần nách ngay cánh vịt. Nếu thấy phần thịt ngay vị trí ấy dày thì hãy mua.
  • Đặc biệt bạn hạn chế mua những chú vịt bị nuôi nhốt. Vì khi chế biến, thịt vịt có thể bị hôi gây ảnh hưởng chất lượng món ăn của bạn. Vịt bị nuôi nhốt cũng có phần lông bụng khá là dơ, bị trụi hoặc gãy lông.
  • Kiểm tra phần bên dưới cánh vịt nếu thấy có chấm đỏ. Đây là dấu hiệu vịt đã bị bơm nước hoặc tiêm thuốc tăng trưởng. Để nhận biết vịt bị bơm nước, bạn hãy sờ nhẹ hoặc vỗ tại lườn và đùi có vết nước phồng màu đen. Khi sờ có cảm giác trơn trượt hơn bình thường hoặc vỗ nghe thấy tiếng lạch bạch thì chắc rằng vịt đã bị bơm nước. Trường hợp, khi sờ cảm nhận thấy thịt của vịt bị nhão cũng không nên mua.
  • Cuối cùng, khác với gà, khi lựa vịt bạn nên chọn con vịt đực tránh chọn vịt cái. Vì vịt cái sẽ có thịt khá nhão nhưng lại dai, phần bụng nhiều mỡ do đẻ nhiều, ăn sẽ không ngon.

Nếu lựa vịt làm sẵn

  • Dù là vịt sống hay vịt làm sẵn, điều đầu tiên bạn vẫn nên lựa vịt đực để đảm bảo độ chắc thịt.
  • Tiếp đó, bạn lấy tay ấn vào phần ức, đùi để xem có bị mềm và nhũn không. Nếu có thì nên bỏ qua, vì có thể vịt đã bị bơm nước. Bạn cũng có thể cầm vịt nâng lên cao xem vịt có độ đàn hồi tốt không. Nếu vịt bị giãn chiều dài nhiều thì thịt vịt không có độ săn chắc, dễ bị nhũn khi nấu.
  • Vịt làm sẵn có màu sắc hồng hào, không bị trắng bệch hay chuyển ngả màu. Trên bề mặt da của vịt có lớp nhờn trơn và không có đốm.
  • Bạn cũng có thể ấn vào đùi và lườn của vịt, nếu thịt có độ nhão, thiếu độ đàn hồi. Phần thịt khi vỗ có tiếng kêu lạch bạch thì không nên mua.
  • Cuối cùng là chạm tay để xem thịt vịt có mới được mổ không. Thường vịt vừa mới mổ sẽ có độ ấm nhất định, thịt vịt không bị lạnh căng. Vì vịt khi để đông đá quá lâu sẽ bị đông cứng da thịt, sắc tái nhợt.

Cách khử mùi hôi của vịt trước khi chế biến

Bí quyết khử mùi hôi của vịt bằng nguyên liệu tự nhiên tại nhà.
Bí quyết khử mùi hôi của vịt bằng nguyên liệu tự nhiên tại nhà.

Thịt vịt có đặc tính dễ có mùi hôi khó khử đặc trưng. Tuy nhiên, nếu bạn biết được những điều này, thì việc khử mùi hôi sẽ rất đơn giản:

  • Đầu tiên, bạn cần lưu ý cắt đi phần phao câu vịt để loại bỏ mùi hôi. Kế đến là đảm bảo lấy hết lông tơ trên thân vịt ra.
  • Cách khử mùi được áp dụng thường xuyên nhất đó là sử dụng rượu trắng và gừng giã nhuyễn chà xát lên thịt vịt.
  • Nếu nhà bạn có muối hột và chanh, bạn cũng có thể sử dụng để khử mùi tanh của thịt vịt.
  • Ngoài ra, bạn có thể dùng: nước vo gạo, hoặc ấm ăn cùng nước sôi để khử mùi và làm sạch lông vịt dễ hơn.
  • Cuối cùng, bạn cần dùng dao cạo thật sạch nhớt nhờn của vịt dưới vòi nước.
  • Rửa lại thật sạch cùng với nước và để ráo.

Mẹo nướng vịt luôn mọng nước, không bị khô

Tip nhỏ khi bạn nướng thịt vịt bằng nồi chiên không dầu.
Tip nhỏ khi bạn nướng thịt vịt bằng nồi chiên không dầu.
  • Để giúp vịt nướng bằng nồi chiên không dầu không bị khô, bạn sử dụng giấy bạc khi nướng. Do lớp mỡ khi nướng sẽ chảy ra và nằm tại lớp giấy bạc bọc thịt. Như vậy, dù không sử dụng dầu, thịt vịt cũng sẽ không bị khô khi nướng bằng nồi chiên.
  • Bạn cần canh nhiệt độ để trở mặt thịt, tránh cho thịt bị cháy và khô trong quá trình chế biến.
  • Lựa chọn kích cỡ thịt vịt phù hợp. Tránh vịt quá to khiến phần thịt tiếp xúc gần với bộ phận làm nóng của nồi. Điều này khiến thịt vịt sẽ bị cháy da, nhanh khô bên trong mà chín không đều.
  • Trong quá trình làm sốt ướp, bạn nên sử dụng dầu điều hoặc một ít dầu ăn.
  • Nên thoa sốt trong các lần nướng, để thịt luôn giữ được nước, săn chắc, thấm gia vị.

Các món nước chấm ngon ăn cùng thịt vịt nướng

Vịt quay/nướng ăn cùng các loại nước chấm chua, cay, mặn, ngọt hòa quyện thì tuyệt phải biết.
Vịt quay/nướng ăn cùng các loại nước chấm chua, cay, mặn, ngọt hòa quyện thì tuyệt phải biết.

Để tăng thêm hương vị của các món vịt thì không thể không kể đến các nước chấm ăn kèm đúng không? Mình sẽ gợi ý đến các bạn một vài loại nước chấm dễ làm. Khi dùng kèm cùng vịt nướng hay quay đều không thể dừng ăn.

Muối ớt hoàng kim – Nước chấm thịt vịt quay siêu siêu ngon

Muối ớt hoàng kim - Nước chấm thịt vịt quay siêu siêu ngon.
Muối ớt hoàng kim – Nước chấm thịt vịt quay siêu siêu ngon.
Nguyên liệu:
  • 700g chanh dây (lấy 190ml nước cốt).
  • 6 trái ớt chỉ thiên.
  • 1 trái ớt chuông vàng/đỏ/xanh (tùy ý thích).
  • 150g sữa đặc.
  • 120g đường.
  • 40g muối.
  • 30g bột ngọt.
Cách làm:
  • Đối với ớt chỉ thiên, ớt đà lạt bạn loại bỏ hạt, cắt nhỏ.
  • Sau đó, cho tất cả các nguyên liệu trên vào máy xay sinh tố và xay đều để tạo hỗn hợp sền sệt.
  • Bạn nêm nếm lại để cân chính cho vừa vị. Nước chấm khi hoàn thành sẽ có vị mặn, ngọt vừa phải. Kèm theo đó là vị béo béo của sữa đặc cùng vị cay nhẹ của ớt.

Nước chấm vịt quay từ hắc xì dầu và nước mắm

Nước chấm vịt từ hắc xì dầu và nước mắm làm gia tăng vị đậm đà của thịt vịt nướng.
Nước chấm vịt từ hắc xì dầu và nước mắm làm gia tăng vị đậm đà của thịt vịt nướng.
Nguyên liệu:
  • Hắc xì dầu: 4 muỗng cà phê.
  • Nước lọc: 3 muỗng cà phê.
  • Nước mắm: 3 muỗng cà phê.
  • Tỏi băm nhuyễn: ½ muỗng cà phê.
  • Hành tím băm: ½ muỗng cà phê.
  • Sa tế: ⅓ muỗng cà phê.
  • Ớt hiểm: 3 trái.
  • Tắc: 3 – 4 trái.
  • Tiêu: ⅓ muỗng cà phê tiêu.
  • Đường: 3 thìa đường.
Cách làm:

Cho tất cả các nguyên liệu trên vào máy xay đa năng nhỏ gọn và để máy trộn đều trong vòng 2 – 3 phút là được. Món nước chấm thành công sẽ có màu nâu sẫm đẹp mắt, cùng vị mặn vừa phải kết hợp cay nồng đầu lưỡi.

Nước chấm hoa quả thơm ngon lạ miệng

Đây có thể là một loại nước chấm khá lạ vị cho bạn, tuy nhiên hãy thử thực hiện và thưởng thức cùng món vịt quay nhé!

Nguyên liệu:
  • Nước tương: 100ml.
  • Chanh: 1 quả.
  • Ớt chỉ thiên cắt nhỏ bỏ hạt: 3 trái.
  • Ớt sừng cắt nhỏ bỏ hạt: 1 trái.
  • Gừng giã nhuyễn: 10g.
  • Tỏi băm: 10g.
  • Đường: 30g.
  • Trái lê: 15g.
  • Trái táo: 15g.
  • Trái thơm: 15g.

Cách làm:

  • Bạn cần nạo một ít vỏ chanh, sau đó vắt lấy 5ml nước cốt chanh. Đối với lê, táo, thơm bạn gọt vỏ lấy phần thịt và cắt nhỏ.
  • Cho hỗn hợp lê, táo, thơm cùng tỏi băm, gừng giã nhuyễn vào xay. Khi các nguyên liệu đã được xay nhuyễn, bạn cho tiếp ớt chỉ thiên, ớt sừng, đường, nước cốt chanh và vỏ chanh, nước tương vào xay.
  • Bạn kiểm tra thấy hỗn hợp trên đã được trộn đều có màu sắc nâu sẫm, cùng với độ sệt mịn là đã hoàn thành rồi.

Nước chấm vịt quay từ tương đen

Nước chấm vịt quay từ tương đen khá phổ biến và được ưa chuộng.
Nước chấm vịt quay từ tương đen khá phổ biến và được ưa chuộng.

Đây có thể được xem như nước chấm truyền thống mà bất kể hàng quán nào khi bán vịt quay cũng đều sử dụng. Mình sẽ bật mí đến bạn cách làm ngon hơn cả hàng quán nhé!

Nguyên liệu:
  • Tương đen loại ngon (tương ăn phở): ½ muỗng canh.
  • Nước tương: ½ muỗng canh.
  • Chanh tươi:10ml.
  • Tỏi băm nhuyễn: 15g.
  • Hành tím băm nhuyễn: 20g.
  • Bột ngọt: ½ muỗng cà phê.
  • Đường: 2 muỗng cà phê.
  • Tiêu xay: ½ muỗng cà phê.
  • Một ít muối.
  • Dầu điều/ dầu ăn: ⅓ muỗng cà phê.
Cách làm:
  • Cho tương đen, nước tương, đường, muối và bột ngọt trong 1 chiếc chén to.
  • Phi thật thơm tỏi, hành tím băm cùng dầu điều. Khi tỏi và hành tím chín đều và dậy mùi thơm, bạn cho hỗn hợp tương đen vào và khuấy đều.
  • Cho từ từ tiêu đen xay nhuyễn thêm nước cốt chanh và nêm nếm lại cho vừa khẩu vị.

Muối tiêu lá chanh dân dã chấm vịt quay “siêu” bắt vị

Muối tiêu lá chanh dân dã chấm với vịt quay.
Muối tiêu lá chanh dân dã chấm với vịt quay.

Muối tiêu lá chanh có thể được xem là nước chấm quốc dân dễ làm. Tuy nhiên, không phải ai cũng biết làm nước chấm muối tiêu chanh đúng chuẩn.

Nguyên liệu:
  • 100g muối sấy khô
  • 20gr tiêu
  • 10gr bột ngọt
  • 1 trái chanh tươi
  • 2 đến 3 lá chanh
Cách làm:
  • Để có được mùi thơm, bạn nên rang muối. Khi muối đã tơi ra, bạn cho tiêu, 1 ít bột ngọt vào và đảo đều rồi tắt bếp, để nguội.
  • Cắt thật nhỏ lá chanh cho vào hỗn hợp muối và trộn đều. Khi ăn, vắt chanh vào là được.
  • Với cách làm này, muối tiêu của bạn sẽ đậm đà. Trọn vẹn hương vị hoà lẫn cay thơm, chua nhẹ của tiêu và chanh.

Ưu và nhược điểm khi nướng vịt bằng nồi chiên không dầu

Những lí do bạn nên sử dụng nồi chiên không dầu để chế biến vịt quay/ nướng.
Những lí do bạn nên sử dụng nồi chiên không dầu để chế biến vịt quay/ nướng.

Ưu điểm

  • Hạn chế đưa các chất dễ gây ung thư vào cơ thể như phương pháp nướng than truyền thống.
  • Giúp giảm lượng dầu mỡ gây béo có trong thực phẩm. Nồi chiên không dầu chủ yếu sử dụng dầu mỡ tự nhiên có trong thực phẩm. Vì vậy nên rất an toàn cho sức khỏe gia đình.
  • Đa năng, tiện lợi là điểm mạnh cần được nhắc. Bạn có thể làm rất nhiều món ngon như chiên, nướng, rán cho gia đình chỉ với chiếc nồi đầy đủ tính năng. Thịt vịt ngoài nướng, quay, bạn còn có thể hấp hoặc nấu chao cũng rất ngon.
  • Tiết kiệm được điện năng, thời gian và chi phí.
  • Khi chiên, rán điều lo sợ nhất là văng dầu. Với cơ chế nấu khép kín của nồi chiên không dầu, bạn hoàn toàn yên tâm vấn đề này nhé.

Nhược điểm

Dù nhiều ưu điểm nói trên nhưng nồi chiên không dầu vẫn còn một số hạn chế nhất định:

  • Thịt vịt hoặc thực phẩm khi mua cần phù hợp với dung tích nồi chiên vì nồi chiên có giới hạn và thường rất nhỏ.
  • Cần canh chỉnh và đặt nhiệt độ thích hợp để tránh cho món ăn của bạn bị khô hoặc bị cháy trong quá trình chế biến. Vì vậy, nếu bạn sử dụng nồi chiên không dầu lần đầu, chỉ chỉnh thời gian ngắn như 10 – 15 phút. Đồng thời mở khay thường xuyên để kiểm tra độ chín.

Qua bài viết các cách nướng vịt bằng nồi chiên không dầu và các lưu ý hữu dụng, hy vọng bạn đã có thêm nhiều sự lựa chọn trong cách chế biến món ăn ngon. Chúc bạn một ngày cuối tuần thật ấm áp, hạnh phúc bên gia đình và cùng nhau thưởng thức các món vịt nướng bổ dưỡng!

Theo: Kiều Loan.

Thẻ:

Hoang Nam

Hoang Nam

Hoàng Nam là nhà sáng lập và quản lý blog Noichienkhongdau.com.vn là blog chia sẻ thông tin hữu ích, đầy đủ và chính xác cho độc giả về những sản phẩm nồi chiên không dầu trên thị trường hiện nay. HoangNam với sự đam mê và tâm huyết luôn mong muốn người dùng có thể lựa chọn cho mình được sản phẩm nồi chiên không dầu phù hợp nhất. Tất cả những bài viết trên blog đều được viết với sự khách quan, dễ hiểu và cung cấp thông tin chi tiết. Điều này giúp cho người dùng có thể hiểu rõ và nắm bắt được vấn đề, nhu cầu mình mong muốn. Bên cạnh đó, blog cũng thường xuyên cập nhật các tin tức mới nhất, những xu hướng mới nhất trong cùng lĩnh vực để đem đến cho độc giả những kiến thức và thông tin cập nhật nhất.

Rất mong nhận được đánh giá từ bạn đọc

Để lại lời nhắn

Nồi Chiên Không Dầu
Logo
So sánh sản phẩm
  • Tổng (0)
So sánh
0
Giỏ hàng