Top 9 cách làm bánh mì bằng nồi chiên không dầu đơn giản

Tiếp tục series nấu ăn hôm nay mình sẽ chia sẻ các bạn 9 cách làm bánh mì bằng nồi chiên không dầu siêu đơn giản. Bạn sẽ nắm được bí quyết làm bánh mì ngọt, bánh mì Việt Nam, bánh mì Hàn Quốc… thơm ngon, dễ làm mà không hề gây ngán. Nếu biết các công thức này sớm hơn, chị em nội trợ có thể tự làm mà không cần mua ngoài hàng quán nữa. Nào cùng vào bếp khám phá 9 cách làm bánh mì bằng nồi chiên không dầu nhé!

Tổng hợp 9 cách làm bánh mì bằng nồi chiên không dầu.
Tổng hợp 9 cách làm bánh mì bằng nồi chiên không dầu.

Hướng dẫn 9 cách làm bánh mì bằng nồi chiên không dầu

Cách làm bánh mì hoa cúc

Công thức làm bánh mì hoa cúc bằng nồi chiên không dầu đơn giản và dễ làm.
Công thức làm bánh mì hoa cúc bằng nồi chiên không dầu đơn giản và dễ làm.

Nguyên liệu

  • 230gram bột mì đa dụng.
  • 5gram men nở.
  • 2 quả trứng gà.
  • 60ml sữa tươi không đường.
  • 80gram bơ lạt.
  • 1 ít hạnh nhân lát để rắc bánh.
  • 2,5ml tinh dầu hoa cam.
  • 30gram đường.
  • ¼ muỗng cà phê muối.
  • ½ muỗng cà phê vani.
Nguyên liệu cần thiết để làm bánh mì hoa cúc.
Nguyên liệu cần thiết để làm bánh mì hoa cúc.

Cách thực hiện

Bước 1: Trộn nguyên liệu

Với hỗn hợp bột: bạn dùng 1 cái thau và rây lọc để lọc qua 190gram bột mì đa dụng. Sau đó đổ 4gram men nở Instant vào thau rồi trộn đều.

Với hỗn hợp nước: bạn đun nóng tan chảy 50gram bơ lạt. Kế đến, cho lần lượt 60ml sữa tươi không đường, 30gram đường, 1 quả trứng gà, 1/4 muỗng cà phê muối, lượng bơ đã đun, 1/2 muỗng cà phê vani vào tô, khuấy đều cho tan.

Sau đó, đổ từ từ tất cả hỗn hợp trên vào hỗn hợp bột mì – men nở. Trộn đều cho đến khi hỗn hợp bột kết dính thì dừng.

Trộn đều cho đến khi hỗn hợp bột kết dính lại với nhau.
Trộn đều cho đến khi hỗn hợp bột kết dính lại với nhau.
Bước 2: Ủ bột và nhào bột bánh

Sau khi trộn xong khối bột, bạn lấy khăn khô đậy bột lại. Để bột nghỉ lần 1 trong 15 phút.

Sau đó, bạn nhào bột. Nhào theo hướng từ ngoài vào trong, xoay vòng tròn từ 10 đến 15 lần. Rồi lấy khăn đậy lại và để bột nghỉ lần 2 trong 15 phút.

Lần nhào bột thứ 3 bạn thực hiện tương tự lần 2. Rồi lại để bột nghỉ lần 3 thêm 15 phút.

Lưu ý: Thao tác nhào bột đúng là ấn và chà miết tấm bột ra xa. Sau đó kéo gập các mép bột lại chứ không phải ấn khối bột xuống mặt phẳng bạn nhé.

Lưu ý nhào bột là kéo bột ra xa rồi gấp các mép bột lại chứ không dùng tay ấn mạnh miếng bột.
Lưu ý nhào bột là kéo bột ra xa rồi gấp các mép bột lại chứ không dùng tay ấn mạnh miếng bột.

Sau 3 lần thực hiện trên, bạn đem bột đi ủ trong tủ lạnh từ 1,5 đến 2 tiếng.

Bước 3: Tạo hình bánh mì hoa cúc

Sau thời gian ủ, bột đã nở gấp đôi thì bạn lấy ra nhào lại nhẹ nhàng cho hết bọt khí. Tiếp theo, chia bột thành 6 phần, mỗi phần khoảng 66gram – 68gram. Bạn dùng cây cán bột cán sơ lần 1 các phần bột cho dẹt bề mặt.

Sau khi cán sơ hết 6 phần thì quay lại phần bột đầu tiên, cán lần 2 cho bột thành hình thuôn dài. Kéo các phần bột thành thuôn dài gấp 2 lần khuôn nướng là được. Kế đến, bạn cuộn tròn phần bột đã cán và mím chặt các đầu mép bột.

Tạo hình bánh mì hoa cúc.
Tạo hình bánh mì hoa cúc.

Sau đó, bạn đặt 3 dây bột lại sát nhau, cố định đầu mép chúng lại. Và bắt đầu làm động tác tương tự “tết tóc đuôi sam”. Bạn lấy dây bột thứ nhất vắt ở giữa 2 dây còn lại, lần lượt vắt chéo tương tự với 2 dây kia.

Cuối cùng, bạn đặt khối bột tạo hình vào trong khuôn, ủ thêm 1 đến 1,5 tiếng cho bột nở.

Bước 4: Nướng bánh mì bằng nồi chiên không dầu

Đầu tiên, bạn làm nóng nồi chiên không dầu ở nhiệt độ 180 độ C trong 5 phút.

Tiếp theo, bạn quét 1 lớp trứng mỏng lên mặt bánh và lấy hạnh nhân lát rắc lên trên bề mặt, rồi dùng giấy bạc bọc khuôn bánh. Nướng bánh mì ở 160 độ C trong 25 phút.

Nướng bánh mì hoa cúc làm bằng nồi chiên không dầu cực dễ làm.
Nướng bánh mì hoa cúc làm bằng nồi chiên không dầu cực dễ làm.

Sau lần nướng này, nếu thấy bánh đã nở ra nhưng chưa ngả sang vàng thì bạn bỏ giấy bạc và nướng thêm lần 2. Chỉnh nhiệt độ 160 độ C trong vòng 3 phút.

Bước 5: Thành phẩm

Bánh mì hoa cúc đặc trưng bởi vị béo ngậy của bơ và trứng. Với công thức này lượng bơ không quá nhiều. Bạn cũng không mất nhiều công nhào bột nhưng bánh nở vẫn mềm, ẩm và nhiều thớ dai. Bánh ngọt thanh và ăn rất ngon đấy!

Cách làm bánh mì bơ tỏi

Bánh mì bơ tỏi cực thơm ngon dễ làm cùng nồi chiên không dầu.
Bánh mì bơ tỏi cực thơm ngon dễ làm cùng nồi chiên không dầu.

Nguyên liệu

  • Bánh mì cây dài Baguette (hoặc bánh mì ổ thường) đặc ruột, vỏ giòn.
  • 250gram bơ lạt.
  • 70gram ngò tây khô (hoặc lá thyme, lá oregano khô).
  • 1 ít muối.
  • 1 quả trứng gà.
  • 2 củ tỏi tươi.

Cách thực hiện

Bước 1: Cắt bánh mì

Thực hiện cắt bánh mì cắt thành miếng vừa ăn. Bạn chú ý có thể cắt chéo để bánh trông đẹp mắt hơn.

Bước 2: Làm hỗn hợp sốt bơ tỏi

Bạn băm nhuyễn tỏi, sau đó đem phi trên chảo cho đến khi không còn mùi hăng và tỏi hơi ngả sang vàng. Trứng gà cùng lòng trắng trứng, bạn đánh tan sau đó cho tỏi phi và trộn đều.

Làm hỗn hợp bơ tỏi hòa quyện hương nồng của tỏi và vị béo của bơ.
Làm hỗn hợp bơ tỏi hòa quyện hương nồng của tỏi và vị béo của bơ.

Song song đó, bạn cho đun chảy bơ lạt bằng nồi chưng cách thủy hoặc quay bằng lò vi sóng rồi đổ vào hỗn hợp trên. Bạn cũng có thể cho trực tiếp bơ vào chảo nóng cùng hỗn hợp tỏi đang phi.

Bước 3: Phết bánh mì

Bạn phết đều hỗn hợp trên lên 2 mặt bánh mì đã cắt nhỏ.

Bước 4: Nướng bánh mì
Đặt bánh mì đã quết bơ tỏi vào nồi chiên không dầu và tiến hành nướng.
Đặt bánh mì đã quết bơ tỏi vào nồi chiên không dầu và tiến hành nướng.

Làm nóng nồi chiên không dầu 3 phút ở nhiệt độ 180ºC. Làm bánh mì bằng nồi chiên không dầu bằng cách nướng trong vòng 10 phút ở nhiệt độ 180ºC. Bạn có thể lật mặt bánh mì trong quá trình nướng, nướng đến khi bánh vàng đều là được.

Bước 5: Thành phẩm
Thành phẩm bánh mì bơ tỏi bằng nồi chiên không dầu.
Thành phẩm bánh mì bơ tỏi bằng nồi chiên không dầu.

Khi bánh đã chín, bạn bày bánh ra đĩa rồi rắc một ít lá ngò lên bề mặt. Bánh mì bơ tỏi chín sẽ có màu vàng đều, khi ngửi sẽ có mùi thơm đặc trưng của bơ lạt và tỏi phi. Bánh có vị mằn mặn, phần ruột vẫn giữ được độ mềm và vị ngậy béo khó cưỡng.

Cách làm bánh mì ngọt

Bánh mì ngọt thơm mềm làm bằng nồi chiên không dầu.
Bánh mì ngọt thơm mềm làm bằng nồi chiên không dầu.

Nguyên liệu

  • 190gram bột mì đa dụng.
  • 25gram bơ lạt (đun chảy).
  • 3gram men nở instant.
  • 30gram sữa đặc.
  • 130ml sữa tươi không đường.
  • 1 lòng đỏ trứng gà.
  • 15gram đường.
  • 1 ít muối.
Chuẩn bị nguyên liệu để làm bánh mì ngọt bằng nồi chiên không dầu.
Chuẩn bị nguyên liệu để làm bánh mì ngọt bằng nồi chiên không dầu.

Cách thực hiện

Bước 1: Trộn bột

Đầu tiên, cho các hỗn hợp sau vào chén: 130ml sữa tươi không đường, 15gram đường, 1 ít muối rồi khuấy đều.

Kế đến, cho vào thau 190gram bột mì đa dụng, 3gram men nở instant và trộn đều. Sau đó, cho vào thêm hỗn hợp sữa tươi trên, 25gram bơ lạt đun chảy, 30gram sữa đặc.

Cho các nguyên liệu vào và trộn hỗn hợp theo thứ tự.
Cho các nguyên liệu vào và trộn hỗn hợp theo thứ tự.

Tiến hành trộn đều đến khi phần bột kết dính, tạo thành hỗn hợp hơi ẩm nhẹ. Sau đó bạn đậy kín tô bột và để bột nghỉ 15 phút.

Bước 2: Gập bột và ủ bột

Sau 15 phút, bạn dùng tay gấp bột từ hướng ngoài vào giữa khoảng từ 10 – 12 lần. Tiếp đến, đậy kín và để nghỉ thêm 15 phút.

Tiếp theo, gấp bột với thao tác tương tự lần 2 từ 10 – 12 lần và để nghỉ 15 phút. Kế đến, lặp lại thao tác gấp bột lần thứ 3 và để nghỉ lần cuối thêm 15 phút nữa là được.

Mách nhỏ:

  • Bạn kiểm tra sau lần ủ đầu tiên, bột phải đạt được độ dẻo mềm. Nếu lúc này cảm thấy bột bị khô, bạn có thể cho thêm 1 ít nước hoặc sữa đến khi bột dẻo mềm hơn.
  • Để kiểm tra độ ủ của bột đã đạt chưa, bạn dùng tay ấn sâu vào bề mặt bột. Nếu khối bột vẫn giữ nguyên vết lõm là được.
Bước 3: Chia bột và đặt bột vào khuôn

Bạn nhào sơ lại khối bột sau đó chia bột thành 6 phần bằng nhau, mỗi phần khoảng 60gram.

Tiếp theo, bạn gấp các viên bột cho bột dẻo mịn từ 5 – 7 lần rồi vê tròn bột. Bạn dùng cây cán mỏng với chiều dài gấp đôi khuôn nướng và cuộn tròn các phần bột đã chia. Sau khi đã cuộn tròn, dùng tay bóp dính mép bột lại.

Cuộn tròn và dùng tay bóp dính mép bột lại.
Cuộn tròn và dùng tay bóp dính mép bột lại.

Để đặt bột vào khuôn, bạn phết đều khuôn bánh 1 lớp bơ lạt, áo thêm 1 lớp bột mì khô để chống dính. Cuối cùng, đặt bánh vào và ủ bột lần 2 trong 15 phút đến khi nở gấp đôi.

Chia bột vào khuôn với các phần đều nhau.
Chia bột vào khuôn với các phần đều nhau.
Bước 4: Nướng bánh mì ngọt

Làm nóng nồi chiên ở nhiệt độ 160 độ C trong 3 phút.

Sau đó bạn khuấy tan 1 lòng đỏ trứng gà, lọc lại qua rây mịn rồi phết lớp mỏng lên mặt bánh. Tiếp theo, bạn dùng giấy bạc che lên mặt bánh và nướng 20 phút ở 160 độ C.

Quết lớp trứng lên mặt bánh rồi dùng giấy bạc che phủ trước khi nướng.
Quết lớp trứng lên mặt bánh rồi dùng giấy bạc che phủ trước khi nướng.

Sau 20 phút, bạn bỏ giấy bạc ra và nướng thêm 5 – 7 phút nữa đến khi bánh vàng. Sau khi nướng chín bán, để thơm ngon hơn bạn phết lên mặt 1 lớp bơ lạt đun chảy và để nguội hoàn toàn nhé!

Bước 5: Thành phẩm
Thành phẩm bánh mì ngọt nướng bằng nồi chiên không dầu.
Thành phẩm bánh mì ngọt nướng bằng nồi chiên không dầu.

Làm bánh mì bằng nồi chiên không dầu sẽ dậy mùi thơm nức mũi từ bơ, sữa. Từng thớ bánh xé ra sẽ có độ dai mềm, ngọt bùi cùng bị beo béo hấp dẫn!

Cách làm bánh mì mini

Làm bánh mì mini ngon bổ rẻ cùng chiếc nồi chiên không dầu.
Làm bánh mì mini ngon bổ rẻ cùng chiếc nồi chiên không dầu.

Nguyên liệu

  • 250gram bột mì đa dụng.
  • 175ml sữa tươi không đường.
  • 5gram men nở.
  • 20ml dầu ăn.
  • 30gram đường.
  • 5gram muối.
Chuẩn bị nguyên liệu cho món bánh mì mini bằng nồi chiên không dầu.
Chuẩn bị nguyên liệu cho món bánh mì mini bằng nồi chiên không dầu.

Cách thực hiện

Bước 1: Ủ men

Bạn cho 175ml sữa tươi không đường vào tô, thêm 30gram đường, 5gram men nở. Khuấy đều và để hỗn hợp nghỉ trong 10 phút.

Ủ men cùng với hỗn hợp sữa tươi.
Ủ men cùng với hỗn hợp sữa tươi.
Bước 2: Trộn hỗn hợp bột

Cho 250gram bột mì đa dụng và cùng 5gram muối vào tô. Bạn trộn đều để phần bột và muối hòa đều vào nhau.

Trộn hỗn hợp bột bánh mì mini cho đến khi kết dính lại với nhau.
Trộn hỗn hợp bột bánh mì mini cho đến khi kết dính lại với nhau.

Sau đó bạn tạo 1 lỗ nhỏ ở giữa tô bột, cho tiếp 20ml dầu ăn và phần hỗn hợp men đã ủ vào. Tiến hành khuấy đến khi hỗn hợp kết dính với nhau.

Bước 3: Nhào bột

Bạn cho khối bột ra mặt phẳng bếp. Dùng tay nhào bột trong vòng 10 phút tới khi bột thành 1 khối mịn.

Lưu ý: bột nhào thành công khi chúng không còn dính tay và có thể kéo bột thành 1 mảng mỏng là được.

Bước 4: Tạo hình bánh mì mini

Chia khối bột thành những phần nhỏ bằng nhau khoảng 10gram. Sau đó, bạn dùng cây cán bột cán dẹt hình dài, dùng đầu ngón tay gấp mép và cuộn bột lại.

Bạn có thể điều chỉnh hình dạng bánh thuôn dài hơn cho giống với mong muốn.

Sau khi tạo hình xong, bạn hãy ủ bánh thêm 45 phút nữa để bột nở. Tiếp đó dùng dao rạch một đường nhanh gọn trên mặt bột. Để tránh bị khô trong khi nướng, bạn xịt đều 1 lớp nước lên mặt bột.

Dùng dao có nhúng dầu rạch đường nhỏ trên mặt bánh.
Dùng dao có nhúng dầu rạch đường nhỏ trên mặt bánh.

Lưu ý:

  • Bạn nên tạo hình số lượng bột phù hợp với kích thước của khay nướng. Mỗi chiếc bánh bạn cũng nên xếp cách nhau 2cm để bánh có không gian giãn nở.
  • Nên nhúng dao vào dầu ăn trước khi rạch để đường rạch được sắc, thẳng đều hơn. Đường rạch này có tác dụng giúp bánh nở khi nướng.
Bước 5: Nướng bánh mì mini

Để nhiệt độ nồi ổn định, bạn làm nóng nồi trong 3 phút ở nhiệt độ 160-180 độ C trước khi cho bột vào.
Sau đó, làm bánh mì bằng nồi chiên không dầu trong thời gian 15 phút và nhiệt độ 165 độ C. Sau 5 phút nướng đầu tiên, bạn nên mở nồi và xịt thêm 1 lớp nước lên mặt bánh. Bạn lặp lại thêm 2 lần sau mỗi 4 – 5 phút nhé.

Bước 6: Thành phẩm
Thành phẩm bánh mì mini nướng bằng nồi chiên không dầu.
Thành phẩm bánh mì mini nướng bằng nồi chiên không dầu.

Những chiếc bánh mì mini này bạn có thể ăn kèm sữa đặc, mứt trái cây đều rất ngon. Bạn cũng có thể kẹp với pate hoặc thịt nguội như chiếc bánh mì truyền thống nữa đấy!

Cách làm bánh mì nướng muối ớt

Cách làm bánh mì nướng muối ớt bằng nồi chiên không dầu.
Cách làm bánh mì nướng muối ớt bằng nồi chiên không dầu.

Nguyên liệu

  • 2 ổ bánh mì đặc ruột.
  • 2 muỗng canh bơ thực vật.
  • 1 muỗng canh tương cà.
  • 1 muỗng canh tương ớt.
  • 1 muỗng canh nước mắm.
  • 1/3 muỗng canh sa tế tôm.
  • 1 muỗng canh đường.
  • ½ muỗng canh ớt bột.
Nguyên liệu đơn giản để thực hiện món bánh mì nướng muối ớt.
Nguyên liệu đơn giản để thực hiện món bánh mì nướng muối ớt.

Cách thực hiện

Bước 1: Sơ chế bánh mì

Bánh mì đặc ruột bạn chỉ cần cắt khúc vừa ăn là được. Nếu bánh còn mới, giòn thì có thể dùng chày để cán dẹp trước rồi sau đó cắt khúc vừa ăn.

Bánh mì cắt khúc sao cho vừa ăn.
Bánh mì cắt khúc sao cho vừa ăn.
Bước 2: Nấu bơ và phết bơ lên bánh mì

Bạn cho lên chảo bếp nóng 2 muỗng canh bơ thực vật và làm bơ tan chảy với lửa nhỏ. Khi bơ tan hoàn toàn thì cho bánh mì đã cắt vào. Bạn đảo đều 2 mặt bánh mì để bơ bám đều rồi gắp ra đĩa.

Cho bơ thực vật lên bếp và làm tan chảy bơ.
Cho bơ thực vật lên bếp và làm tan chảy bơ.
Phủ đều bơ lên các mặt của bánh mì đã cắt.
Phủ đều bơ lên các mặt của bánh mì đã cắt.
Bước 3: Làm hỗn hợp sốt sa tế cay

Bạn cho hỗn hợp lên chảo gồm: 3 muỗng canh tương ớt, 1 muỗng canh tương cà, 1 muỗng canh đường, 1/2 muỗng canh ớt bột, 1/3 muỗng canh sa tế tôm và 1 muỗng canh nước mắm.

Làm hỗn hợp sốt sa tế cay để phết bánh mì.
Làm hỗn hợp sốt sa tế cay để phết bánh mì.

Dùng đũa khuấy đều hỗn hợp cho đến khi thấy sệt lại thì tắt bếp. Bạn có thể điều chỉnh độ cay, mặn và ngọt theo khẩu vị gia đình.

Bước 4: Nướng bánh mì muối ớt

Trước tiên, bạn cho các lát bánh mì vào chảo nước sốt sa tế và áo đều hỗn hợp này lên bánh mì. Sau đó, bạn bật nồi chiên và làm nóng trong 3 phút tương tự các cách nướng khác.

Gắp bánh mì đã ướp sốt đặt đều vào nồi chiên không dầu. Bật nồi nướng khoảng 5 – 7 phút với nhiệt độ 120 độ C (bạn không cần trở mặt bánh mì trong quá trình nướng).

Đặt bánh mì đã phết muối ớt vào nồi và nướng ở nhiệt độ 120 độ C.
Đặt bánh mì đã phết muối ớt vào nồi và nướng ở nhiệt độ 120 độ C.

Nướng xong thì bạn cho ra đĩa và nướng tương tự với các mẻ bánh còn lại nhé.

Bước 5: Thành phẩm

Bánh mì nướng muối ớt bằng nồi chiên không dầu có màu sắc rất bắt mắt.

Mẹo nhỏ: bạn có thể thưởng thức chúng cùng với 1 ít sốt mayonnaise. Tiến hành rắc thêm các loại topping như: bò khô, ruốc, hành phi, xúc xích, mỡ hành… lên bề mặt bánh mì nhé!

Cách làm bánh mì Sandwich (bánh mì gối)

Làm bánh mì Sandwich bằng nồi chiên không dầu.
Làm bánh mì Sandwich bằng nồi chiên không dầu.

Nguyên liệu

  • 350gram bột mì số 13.
  • 50gram đường.
  • 7gram men nở Instant.
  • 1gram muối.
  • 30gram bơ lạt.

Cách thực hiện

Bước 1: Trộn bột bánh

Bạn cho vào tô hỗn hợp 350gram bột mì, 1gram muối, 5gram men, 50gram đường, 80ml sữa tươi (sữa tươi đã bắc bếp nấu cho ấm). Bạn trộn đều bằng phới cho các nguyên liệu hòa quyện, kết dính lại.

Lưu ý: bạn không được trực tiếp cho muối trúng lên men nở. Vì tiếp xúc trực tiếp muối sẽ khiến men chết hoặc hoạt động yếu. Bạn có thể trộn muối cùng bột trước, sau đó mới cho men vào.

Kiểm tra nếu khối bột khô, chưa kết dính, bạn có thể cho thêm sữa tươi vào và trộn tiếp nhé.

Bước 2: Nhào bột bánh

Bạn dùng tay nhào sơ để bột thành khối. Sau đó bạn tiến hành nhồi bột theo kỹ thuật Folding and Stretching.

Kỹ thuật nhào bột Folding and Stretching tạo thành khối mịn đồng nhất.
Kỹ thuật nhào bột Folding and Stretching tạo thành khối mịn đồng nhất.

Tương tự các cách nhồi bột khi làm bánh phía trên, thực tế bạn gấp bột lại, sau đó dùng mu bàn ấn và miết bột ra xa. Lưu ý là miết phần bột ra xa chứ không phải ấn sâu xuống. Kế tiếp bạn xoay khối bột 90 độ rồi lặp lại 2 bước trên trong 10 phút.

Khi bột đã bắt đầu mịn, bạn cho thêm 30gram bơ. Sau đó lặp lại động tác nhồi trên thêm 10 phút đến khi bột thật mịn và đàn hồi.

Bước 3: Ủ bột
Ủ bột làm bánh mì sandwich trong 45 phút.
Ủ bột làm bánh mì sandwich trong 45 phút.

Bạn cho khối bột trên vào tô và đem bọc kín bằng màng bọc thực phẩm. Sau đó ủ trong 45 phút đến 1 tiếng đến khi bột nở gấp đôi.

Bước 4: Tạo hình bánh mì Sandwich
Tạo bột hình trụ và quết bơ mỏng rồi để vào khuôn bánh.
Tạo bột hình trụ và quết bơ mỏng rồi để vào khuôn bánh.

Bạn lấy phần bột đã ủ ra và nhào sơ sau đó tạo thành hình khối trụ. Quét vào khuôn bánh 1 lớp bơ mỏng rồi cho khối bột vào.

Bước 5: Nướng bánh mì Sandwich

Trước khi nướng bạn làm nóng nồi chiên không dầu ở nhiệt độ 180 độ C trong 3-5 phút. Sau đó cho khuôn bánh vào nướng ở 160 độ trong 20 phút bạn nhé.

Bước 6: Thành phẩm
Thành phẩm bánh mì sandwich bằng nồi chiên không dầu.
Thành phẩm bánh mì sandwich bằng nồi chiên không dầu.

Bánh mì Sandwich sau khi hoàn thành có lớp vỏ vàng vừa phải. Phần bánh bên trong thì trắng mềm mịn và thơm phức. Bạn có thể cắt lát ăn kèm thịt nguội hay mứt trái cây nhé!

Cách làm bánh mì bơ sữa

Hướng dẫn làm bánh mì bơ sữa bằng nồi chiên không dầu.
Hướng dẫn làm bánh mì bơ sữa bằng nồi chiên không dầu.

Nguyên liệu

  • 300gram bột mì đa dụng.
  • 60ml sữa tươi không đường.
  • 50gram bơ lạt.
  • 5gram men nở.
  • ¼ muỗng cà phê muối.
  • 2 muỗng canh đường.
  • 1 quả trứng gà.
Nguyên liệu cần thiết để làm bánh mì bơ sữa.
Nguyên liệu cần thiết để làm bánh mì bơ sữa.

Cách thực hiện

Bước 1: Trộn bột bánh

Bạn cho 300gram bột mì đa dụng và 5gram men nở vào tô, trộn đều. Bạn cho thêm 1/4 muỗng cà phê muối, 2 muỗng canh đường, cho thêm 1 quả trứng gà và 60ml sữa tươi vào. Lưu ý không cho muối vào trực tiếp cùng lúc với men nở vì sẽ làm chết men.

Bước 2: Nhào bột bánh

Bạn cho khối bột ra mặt phẳng và cũng tiến hành nhào bột bánh bằng kỹ thuật Folding and Stretching.

Lưu ý: ấn và miết bột ra xa chứ không phải là ấn sâu xuống khối bột. Bạn tiến hành xoay khối bột góc 90 độ, lặp lại các bước nhồi.

Sau khi nhồi trong 10 – 15 phút, khối bột dai và mịn hơn thì cho 50gram bơ lạt vào và từ từ tăng tốc độ nhồi bột lên (kỹ thuật nhồi như cũ). Nhồi đến khi bột không dính tay, bạn có thể kéo bột ra xa thành màng mỏng là được.

Nhồi được 15 phút thì cho thêm bơ lạt vào và tăng tốc nhồi bột bánh.
Nhồi được 15 phút thì cho thêm bơ lạt vào và tăng tốc nhồi bột bánh.

Mẹo nhỏ: Nếu bột hơi khô, bạn cho thêm từ từ một ít sữa tươi không đường vào nhé!

Bước 3: Ủ bột

Dùng màng thực phẩm bọc kín tô bột và ủ bột trong 45 phút cho bột nở gấp đôi.

Ủ bột trong khoảng 45 phút.
Ủ bột trong khoảng 45 phút.
Bước 4: Cán bột và tạo hình bánh mì ngọt

Bạn nhồi sơ lại khối bột và tiến hành chia bột ra thành các phần nhỏ bằng nhau tùy theo kích thước khuôn. Để làm bánh ngọt, bạn có thể tạo thành hình tròn, hình xoắn ốc hoặc hình trụ dài tùy ý.

Đậy kín phần bột lại và ủ thêm 15 phút trước khi nướng bánh..

Bước 5: Nướng bánh

Lót giấy bạc vào khay nồi chiên không dầu. Làm nóng nồi ở nhiệt độ 160 độ trong 3 phút.

Nướng bánh mì bơ sữa bằng nồi chiên không dầu.
Nướng bánh mì bơ sữa bằng nồi chiên không dầu.

Xếp các phần bột đã tạo hình vào khay nồi. Nướng bánh khoảng 170 độ C trong 10 phút. Sau đó bạn mở nồi, trở bánh và nướng thêm 5 phút nữa cho bánh chín đều là hoàn thành rồi đấy!

Cách làm bánh mì Việt Nam (bánh mì đặc ruột)

Hướng dẫn làm bánh mì đặc ruột bằng nồi chiên không dầu.
Hướng dẫn làm bánh mì đặc ruột bằng nồi chiên không dầu.

Nguyên liệu

  • 280gram bột mì số 13.
  • 165ml sữa tươi.
  • 3gram men nở instant.
  • 3gram muối.
  • 10gram bơ.
  • 10ml dầu ăn.

Cách thực hiện

Bước 1: Trộn bột bánh
Trộn hỗn hợp bột và men trước khi cho muối vào.
Trộn hỗn hợp bột và men trước khi cho muối vào.

Bạn tiến hành cho hỗn hợp vào tô gồm 280gram bột mì, 3gram men nở, 3gram muối, 10gram bơ, 10ml dầu ăn, sau đó trộn đều. Lưu ý không rải trực tiếp muối lên phần men nở ngay từ đầu vì muối sẽ làm chết men.
Cho thêm từ từ 165ml sữa tươi vào hỗn hợp rồi trộn đều đến khi bột kết dính, không quá khô cũng không quá nhão.

Bước 2: Nhồi bột

Bạn dùng tay nhào sơ để bột tạo thành khối. Sau đó cho bột ra bàn rồi thực hiện các thao tác nhồi theo kỹ thuật Folding and Stretching.

Đầu tiên, gấp bột lại, sau đó dùng mu bàn ấn rồi miết bột ra xa (không phải ấn xuống). Kế tiếp xoay khối bột 90 độ rồi lặp lại 2 bước trên.

Cách nhận biết bột nhồi đạt yêu cầu: bột dẻo mịn, có độ đàn hồi tốt. Bột cầm vào không dính tay. Có thể kéo dãn khối bột thành lớp mỏng mà không bị rách.

Bước 3: Ủ bột
Dùng tay ấn để kiểm tra bột đã đủ độ ủ chưa.
Dùng tay ấn để kiểm tra bột đã đủ độ ủ chưa.

Bạn phủ kín tô bột đã nhồi bằng màng bọc thực phẩm. Sau đó ủ từ 45 phút -1 tiếng cho bột nở gấp đôi.

Bước 4: Tạo hình bánh mì Việt Nam

Trước tiên bạn dùng cây lăn dài khối bột rồi chia ra khoảng 7 phần bột. Đối với mỗi phần, bạn lại cán dẹt sau đó cuộn tròn, tạo chóp nhọn ở 2 đầu.

Cán dẹt và cuộn tròn, tạo chóp nhọn ở đỉnh đầu.
Cán dẹt và cuộn tròn, tạo chóp nhọn ở đỉnh đầu.

Tiếp tục phủ kín các phần bột 15 – 30 phút để bột nở. Sau đó dùng dao rạch 1 đường dài trên mặt của khối bột (đường rạch có tác dụng giúp bánh nở khi nướng).

Bước 5: Nướng bánh mì Việt Nam (bánh mì đặc ruột)

Làm nóng nồi chiên không dầu ở nhiệt độ 180 độ trong 3 phút.

Đặt bột bánh đã tạo hình vào bên trong nồi chiên không dầu.
Đặt bột bánh đã tạo hình vào bên trong nồi chiên không dầu.

Sau đó bạn cho các phần bột tạo hình vào nồi, phun sương nước lên mặt bánh để bánh không bị khô. Tiến hành nướng trong 20 phút ở nhiệt độ 180 độ C. Sau đó, bạn lật mặt bánh rồi nướng thêm 5 phút nữa là hoàn tất.

Kiểm tra bánh mì trong mỗi 10 phút để xem bánh đã chín vàng đều chưa.
Kiểm tra bánh mì trong mỗi 10 phút để xem bánh đã chín vàng đều chưa.

Lưu ý: cứ khoảng 10 phút, bạn kiểm tra bánh đã đạt chưa vì nhiệt độ và thời gian nướng tùy thuộc vào công suất của mỗi nồi chiên không dầu.

Cách làm bánh mì mè đen hàn quốc

Hướng dẫn làm bánh mì mè đen Hàn Quốc ngon đúng chuẩn.
Hướng dẫn làm bánh mì mè đen Hàn Quốc ngon đúng chuẩn.

Nguyên liệu

  • 30gram bột mì đa dụng.
  • 150gram bột năng.
  • 25gram mè đen.
  • 2 quả trứng gà.
  • 30gram bơ lạt.
  • 150ml sữa tươi không đường.
  • 20gram sữa bột.
  • 30gram đường.

Cách thực hiện

Bước 1: Nấu hỗn hợp bột

Bạn bắc bếp và cho vào nồi 30gram bơ lạt, 150ml sữa tươi, 20gram sữa bột, 30gram đường. Bạn dùng phới đảo nhẹ nhàng hỗn hợp

Nấu hỗn hợp đến khi bột sánh lại thì tắt bếp.
Nấu hỗn hợp đến khi bột sánh lại thì tắt bếp.

Tiếp đó rây vào nồi 30gram bột mì, chỉnh lửa nhỏ. Tiếp tục dùng phới đảo nhẹ nhàng 3 – 4 phút cho tới khi bột sánh lại thì hạ bếp.

Bước 2: Trộn bột

Lúc bột trong nồi vẫn còn nóng, bạn cho tiếp 150gram bột năng (phân thành 3 lần cho vào). Tiếp tục dùng phới dẹt đảo cho tới khi hỗn hợp bột thành 1 khối đều là được.

Sau đó bạn thêm vào hỗn hợp 2 quả trứng gà, 25gram mè đen và trộn đều.

Cho mè đen vào và trộn đều hỗn hợp.
Cho mè đen vào và trộn đều hỗn hợp.

Sau khi trộn xong, bạn cho hỗn hợp vào túi bắt kem hoặc túi ni lông cột chặt (bạn cắt một khoảng nhỏ ở đầu bao để thay thế túi bắt kem).

Cho hỗn hợp bột vào túi bắt kem hoặc túi ni lông cột chặt.
Cho hỗn hợp bột vào túi bắt kem hoặc túi ni lông cột chặt.
Bước 3: Nướng bánh mì mè đen

Để nồi chiên có nhiệt độ ổn định, bạn mở nồi trước ở 180 độ C trong 3 phút.

Bạn chuẩn bị sẵn khay chiên đã được lót giấy nến. Sau đó bạn bơm hỗn hợp bánh lên rồi cho khay vào nồi chiên. Tiến hành nướng lần 1 ở nhiệt độ 175 độ C trong 10 phút.

Bơm hỗn hợp bánh thành từng lượng vừa phải lên khay nướng.
Bơm hỗn hợp bánh thành từng lượng vừa phải lên khay nướng.

Sau lần nướng 1, bạn mở nồi ra, trở mặt bánh rồi tiếp tục nướng lần 2 ở mốc 175 độ C trong 5 phút là hoàn thành.

Canh thời gian và lật mặt lần 2 để bánh mì mè đen chín đều.
Canh thời gian và lật mặt lần 2 để bánh mì mè đen chín đều.

Như vậy món bánh mì mè đen chuẩn Hàn Quốc đã hoàn thành rồi! Lớp vỏ giòn thơm, mè đen bùi bùi, lại có độ ngọt vừa phải ai thử cũng sẽ mê.

Thành phẩm bánh mì mè đen nướng bằng nồi chiên không dầu.
Thành phẩm bánh mì mè đen nướng bằng nồi chiên không dầu.

Cách làm món ăn kèm bánh mì

Sau 9 công thức làm bánh mì bằng nồi chiên không dầu, mình sẽ tiếp tục hướng dẫn các bạn cách làm 3 món ăn kèm bánh mì không nên bỏ qua. Đặc biệt là các món ăn truyền thống và dễ làm cùng bánh mì Việt Nam (bánh mì đặc ruột). Bạn cùng theo dõi nhé!

Cách làm nước sốt bánh mì

Hướng dẫn làm sốt bánh mì thịt siêu ngon như hàng quán.
Hướng dẫn làm sốt bánh mì thịt siêu ngon như hàng quán.

Nguyên liệu

  • 4 quả cà chua chín.
  • 150gram thịt nạc heo (cắt miếng).
  • 100gram hành tím (cắt mỏng).
  • 1,5 muỗng canh tỏi băm.
  • 100gram khóm (băm nhuyễn).
  • 400ml nước dừa.
  • Hỗn hợp hành phi, hành lá, ngò rí (tùy thích).
  • Gia vị: muối, đường, nước mắm, bột ngọt, hạt nêm, nước tương, tương ớt, tương cà, sốt mayonnaise, dầu hào, dầu ăn.

Cách thực hiện

Bước 1: Sơ chế nguyên liệu
Sơ chế nguyên liệu làm nước sốt chan bánh mì thơm ngon hấp dẫn.
Sơ chế nguyên liệu làm nước sốt chan bánh mì thơm ngon hấp dẫn.

Đầu tiên, bạn cắt nhỏ các hỗn hợp ngò rí và hành lá. Cà chua thì loại bỏ phần cuống và phần hạt và cắt hình múi cau. Sau đó, bạn cho 150gram thịt nạc đi xay nhuyễn. Xay xong thì bỏ hỗn hợp cà chua vào thịt nạc rồi xay cùng.

Bước 2: Tạo màu cho nước sốt

Bạn bắc chảo và cho dầu ăn vào. Khi dầu nóng thì cho hành tím vào phi vàng thơm và vớt ra.

Tạo màu hấp dẫn cho nước sốt bánh mì.
Tạo màu hấp dẫn cho nước sốt bánh mì.

Sau đó, cho vào chảo 1 muỗng cà phê hạt điều màu. Đun tầm 30 giây với lửa vừa thì vớt bỏ hạt đi. Tiếp đến cho 1.5 muỗng canh tỏi băm vào chảo dầu điều rồi phi cho vàng thơm.

Bước 3: Nấu nước sốt

Bạn cho hỗn hợp thịt xay vào chảo tỏi phi và xào đến khi thịt săn lại thì đổ thêm 400ml nước dừa vào.

Trong lúc đợi hỗn hợp sôi, bạn cho thêm 2 muỗng tương ớt, 2 muỗng tương cà, 2 muỗng mayonnaise, 1 muỗng dầu hào, 100gram khóm, hành phi. Nêm nếm thêm với 1 muỗng cà phê bột ngọt, 1 muỗng canh nước mắm, 1 muỗng canh hạt nêm, 2 muỗng canh nước tương và 1,5 muỗng canh đường.

Đây là công thức chuẩn cho hỗn hợp sốt giống với ngoài hàng. Tuy nhiên bạn có thể nêm nếm lại phù hợp với khẩu vị riêng của mình nhé! Đến khi hỗn hợp sôi, cho vào thêm hành lá, ngò rí và 1 muỗng cà phê tiêu và tắt bếp.

Bước 4: Thành phẩm
Thành phẩm nước sốt bánh mì thịt thơm ngon khó cưỡng.
Thành phẩm nước sốt bánh mì thịt thơm ngon khó cưỡng.

Nước sốt sau khi hoàn thành có mùi thơm và màu sắc vô cùng bắt mắt. Vị nêm đậm đà, đặc biệt, vị chua nhẹ của cà và dứa sẽ khiến sốt không gắt cổ và không bị ngán khi thưởng thức bánh mì. Giờ thì bắt tay vào làm những ổ bánh mì thật thơm ngon thôi!

Cách làm xíu mại ăn bánh mì

Cách làm xíu mại ăn kèm bánh mì đậm đà khó cưỡng.
Cách làm xíu mại ăn kèm bánh mì đậm đà khó cưỡng.

Nguyên liệu

  • 300gram nạc xay.
  • 300gram cà chua.
  • 2 củ cà rốt.
  • 100gram hành tây (1/2 củ).
  • 1 ít rau húng quế.
  • 5 củ hành tím.
  • 2 quả ớt sừng.
  • 3 nhánh hành lá.
  • 1 quả chanh.
  • 3 muỗng canh dầu ăn.
  • 2 muỗng canh nước mắm.
  • 1 ít đường và tiêu.

Cách thực hiện

Bước 1: Sơ chế nguyên liệu

Đầu tiên bạn rửa sạch cà chua và khứa làm 4 (không cắt đứt ra). Cho vào nồi chiên không dầu nướng 170 độ trong 10 phút (hoặc luộc 10 phút) để cà chua nứt vỏ.

Sau khi cà chua nứt vỏ thì bạn dùng muỗng dầm nhuyễn. Cà rốt bạn rửa sạch, gọt vỏ và bào sợi nhỏ. Sau đó cho cà rốt bào ra đĩa và nặn 1/2 trái chanh vào, trộn lên cho thấm đều.

Dằm hỗn hợp để làm nước sốt xíu mại.
Dằm hỗn hợp để làm nước sốt xíu mại.

Bạn tiến hành cắt nhỏ hành tây và hành lá, băm nhỏ ớt sừng, hành tím.

Bước 2: Làm viên xíu mại

Cho phần nạc heo xay vào tô trộn đều cùng với các gia vị như sau: 1 muỗng cà phê tiêu xay, 2 muỗng cà phê đường, 1 muỗng canh nước mắm, 1/2 muỗng hành tím băm. Bạn trộn và ướp khoảng 15 phút để thịt thấm gia vị.

Ướp thịt rồi sau đó vo thịt thành các viên tròn đều nhau.
Ướp thịt rồi sau đó vo thịt thành các viên tròn đều nhau.

Sau 15 phút, bạn múc khoảng 1 muỗng canh thịt băm vo thành viên tròn và làm lần lượt đến khi hết thịt.

Bước 3: Làm sốt xíu mại

Bạn bắc chảo lên bếp và cho 3 muỗng canh dầu ăn và hành tím vào phi thơm. Tiếp đến, cho cà chua đảo đều. Thấy cà chua sôi nhẹ thì cho hành tây vào. Sau đó thêm 500ml nước lọc và để lửa to cho sôi nước.

Nước sôi thì cho từng viên thịt đã vo vào. Nêm thêm vào chảo 1 muỗng cà phê đường, 1 muỗng tiêu xay, 1 muỗng nước mắm. Nấu khoảng 30 phút, đến khi xíu mại chín đều và sốt hơi sệt lại là được, tắt bếp.

Bước 4: Thành phẩm
Thành phẩm xíu mại đã hoàn thành không thua kém gì ở hàng quán.
Thành phẩm xíu mại đã hoàn thành không thua kém gì ở hàng quán.

Như vậy đã hoàn thành rồi. Bạn cho xíu mại ra chén ăn kèm bánh mì, cà rốt ngâm chua và hành lá cắt nhỏ. Để ngon hơn, bạn có thể cho thêm sa tế cay trong phần nêm nếm tùy khẩu vị của mình nhé!

Cách làm đồ chua ăn bánh mì

Công thức đúng chuẩn làm đồ chua ăn kèm các món bánh mì.
Công thức đúng chuẩn làm đồ chua ăn kèm các món bánh mì.

Nguyên liệu

  • 1 củ cà rốt.
  • 1 củ cải trắng.
  • Lọ thủy tinh có nắp đậy kín.
  • Gia vị: muối, đường, giấm, nước lọc.

Cách thực hiện

Bước 1: Sơ chế củ cải và cà rốt

Cà rốt, củ cải bạn rửa sạch và gọt vỏ. Sau đó cắt chúng thành các thanh nhỏ có chiều dài khoảng 5cm.

Sau khi cắt xong bạn cho hỗn hợp vào tô, trộn đều với 1 ít muối. Bạn hãy ướp khoảng 30 phút để củ rốt và củ cải sẽ mềm dẻo hơn.

Sau đó rửa lại phần cà rốt, củ cải với nước để loại bỏ bớt phần muối. Bạn cũng bóp, vắt bớt nước trong hỗn hợp ra và để ráo. Sau đó đặt vào lọ thủy tinh để ngâm giấm nhé.

Bước 2: Nấu nước giấm chua
Cho giấm và đường vào nồi và đun sôi.
Cho giấm và đường vào nồi và đun sôi.

Bạn bắt bếp và cho hỗn hợp giấm, nước, đường vào chảo, khuấy cho đường tan hết. Sau đó tắt bếp và để nguội giấm.

Bước 3: Ngâm hỗn hợp
Lưu trữ đồ chua trong keo đậy kín để dùng dần bạn nhé.
Lưu trữ đồ chua trong keo đậy kín để dùng dần bạn nhé.

Đổ hỗn hợp nước giấm và đường vào lọ thủy tinh cho ngập phần cà rốt và củ cải. Đậy kín nắp lại. Bạn có thể ngâm trong ngăn mát tủ lạnh vài tiếng cho thấm vị chua là dùng được rồi đấy! Không chỉ ăn kèm bánh mì mà còn có thể dùng trong các bữa ăn hằng ngày cũng ngon không kém.

Câu hỏi khi làm bánh mì bằng nồi chiên không dầu

Men nở là gì?

Men nở là một nguyên liệu quan trọng không thể thiếu khi làm bánh, nhất là với các loại bánh mì. Men nở thực chết các vi sinh vật sống có khả năng tiết chất giúp việc lên men của bột bánh diễn ra nhanh hơn.

Men nở sẽ gồm 3 loại:

  • Men tươi: thường đóng thành khối, có độ ẩm và cần bảo quản trong tủ lạnh. Thợ làm bánh chuyên nghiệp thường dùng men này để làm bánh vì bánh sẽ ngon hơn loại men khô.
  • Men khô: có dạng hạt màu nâu và thô, to. Nếu sử dụng dạng này bạn bắt buộc phải kích hoạt men trước khi sử dụng bằng cách đem trộn men với nước ấm.
  • Men instant: đây là thuộc dòng men khô nhưng có hạt nhỏ mịn hơn và màu nâu. Ưu điểm của men instant là không cần phải ngâm kích hoạt, có thể trộn thẳng với bột. Men instant thường sử dụng phổ biến vì dễ thao tác và tạo ra nhiều khí gas hơn men khô. Cùng một lượng bột mì, lượng men instant cần thiết sẽ ít hơn so với lượng men khô.

Lưu ý về men nở

Khi để men nở vào hỗn hợp bột mì, bạn cần lưu ý cho men nở cách xa phần muối và men ở cách xa nhau. Nếu men tiếp xúc trực tiếp với muối thì men sẽ chết.

Mẹo kiểm tra men nở còn hoạt động tốt hay không: men nở nếu không bảo quản đúng cách có thể sẽ bị yếu hoặc chết men. Để kiểm tra men còn hoạt động tốt hay không, bạn có thể cho men vào chén nước ấm. Sau khoảng 5 phút nếu thấy lượng men nổi bọt bong bóng trên mặt nước khá nhiều, thì yên tâm men nở vẫn còn dùng tốt.

Bột mì đa dụng là gì?

Bột mì đa dụng (All Purpose Flour/Plain Flour) hay còn gọi là bột mì số 11. Đây là dòng nguyên liệu được sử dụng nhiều trong các công thức làm bánh.

Bột mì đa dụng làm từ 2 loại hạt lúa mì mềm mùa đông và hạt lúa mì cứng mùa xuân. Do đó dòng bột này chứa nhiều nhiều hàm lượng protein và dao động khoảng 10 – 12%.

Hiện nay, bột mì đa dụng gồm có 2 loại là bột mì tẩy trắng và không tẩy trắng. Để làm bánh mì hoặc bánh ngọt, bạn nên dùng loại bột tẩy trắng. Đây là loại bột đã được xử lý để loại bỏ đi sắc tố vàng vốn có.

Cách nhận biết bột nhồi làm bánh mì đạt yêu cầu?

Khi nhồi bột làm bánh để biết khối bột nhồi đã đạt chuẩn chưa, bạn lưu ý tiêu chí sau:

  • Khối bột dẻo mịn và có độ đàn hồi tốt.
  • Khối bột không bị dính tay. Khi nhấn ngón tay vào bạn sẽ cảm thấy hơi dính, nhưng khi nhấc ngón tay ra thì bột không còn dính tay nữa.
  • Dùng tay ngắt một phần bột, kéo dãn bột ra. Nếu bột tạo thành màng mỏng và không dễ rách, cũng không bị ánh sáng xuyên qua là đạt.

Thời gian nướng bánh mì bằng nồi chiên không dầu?

Làm bánh mì bằng nồi chiên không dầu tùy theo công thức bánh và công suất nồi chiên mà có thời gian nướng khác nhau. Nhìn chung, thời gian nướng 1 số loại bánh mì như sau:

  • Bánh mì đặc ruột (bánh mì Việt Nam): nướng 180 độ trong 20 phút. Lần 2 lật mặt nướng thêm 5 phút.
  • Bánh mì Sandwich: nướng 160 độ trong 20 phút.
  • Bánh mì bơ sữa: nướng 170 độ trong 20 phút. Có thể nướng thêm lần 2 ở 160 độ trong 5 phút.
  • Bánh mì hoa cúc: nướng 160 độ trong 25 phút. Kiểm tra và nướng thêm lần 2 trong 5-7 phút.

Các món ăn với bánh mì?

  • Với bánh mì đặc ruột (bánh mì Việt Nam) và bánh mì Mini, bạn có thể ăn kèm đồ mặn, pate, xíu mại, nước sốt thịt. Ngoài ra có thể chấm sữa đặc và cacao để ăn sáng cũng rất ngon.
  • Với bánh mì Sandwich, bạn cũng ăn kèm đồ mặn hoặc phết bơ hay mứt trái cây ngọt.
  • Với bánh mì ngọt, bánh mì hoa cúc, bạn có thể rắc thêm “Topping” là lát hạnh nhân, mè đen, dừa khô… để tạo thêm mùi vị hấp dẫn hơn.

Ăn bánh mì có béo không?

Theo các chuyên gia dinh dưỡng một ổ bánh mì thông thường (không chứa nhân) sẽ cung cấp 80 calo với 10% protein, 3% sắt, 5% vitamin B. Còn lại là tinh bột và carbohydrate. Tùy thuộc vào loại bánh mì khác nhau mà giá trị calo sẽ khác nhau.

Nếu là người chú trọng ăn kiêng giảm cân, bạn nên cân nhắc chọn lọc một số loại bánh mì phù hợp cho nhu cầu như: bánh mì đen, bánh mì nguyên cám, bánh mì ngũ cốc, bánh mì gối đen,….

Ăn bánh mì có tốt không?

Bánh mì là thực phẩm có nhiều lợi ích cho cơ thể. Đặc biệt là bánh mì nguyên chất từ các loại hạt hay các loại carb có trong ngũ cốc nguyên hạt. Chúng đều có khả năng giúp làm giảm nguy cơ mắc các bệnh tiểu đường, cao huyết áp, tim mạch, ung thư ruột kết, đột quỵ và béo phì.

Với lượng chất xơ dồi dào, các loại bánh mì (nguyên cám, nguyên chất) cũng rất tốt cho hệ tiêu hóa. Góp phần thúc đẩy tiêu hóa mạnh mẽ hơn, giúp giảm nguy cơ táo bón.

Nhưng cái gì nhiều quá thì cũng không tốt cho sức khỏe, nên chỉ ăn vừa đủ thôi.

Trên đây là tất cả thông tin hữu ích về 9 cách làm bánh mì bằng nồi chiên không dầu đơn giản, phố biến, dễ thực hiện. Bạn đã ưng được công thức bánh mì nào chưa? Nếu có thì còn chần chờ gì mà không trổ tài làm bánh của mình. Bắt tay thực hiện và để mọi người thưởng thức các hương vị bánh tuyệt hảo nhé!

Theo: Phương Trang.

Thẻ:

Hoang Nam

Hoang Nam

Hoàng Nam là nhà sáng lập và quản lý blog Noichienkhongdau.com.vn là blog chia sẻ thông tin hữu ích, đầy đủ và chính xác cho độc giả về những sản phẩm nồi chiên không dầu trên thị trường hiện nay. HoangNam với sự đam mê và tâm huyết luôn mong muốn người dùng có thể lựa chọn cho mình được sản phẩm nồi chiên không dầu phù hợp nhất. Tất cả những bài viết trên blog đều được viết với sự khách quan, dễ hiểu và cung cấp thông tin chi tiết. Điều này giúp cho người dùng có thể hiểu rõ và nắm bắt được vấn đề, nhu cầu mình mong muốn. Bên cạnh đó, blog cũng thường xuyên cập nhật các tin tức mới nhất, những xu hướng mới nhất trong cùng lĩnh vực để đem đến cho độc giả những kiến thức và thông tin cập nhật nhất.

Rất mong nhận được đánh giá từ bạn đọc

Để lại lời nhắn

Nồi Chiên Không Dầu
Logo
So sánh sản phẩm
  • Tổng (0)
So sánh
0
Giỏ hàng