Hướng dẫn 4 cách làm bánh trung thu bằng nồi chiên không dầu

Trung thu là dịp để các thành viên gia đình quây quần náo nhiệt bên nhau. Ngày lễ đặc biệt này tất nhiên không thể thiếu đi những chiếc bánh trung thu bày trên mâm cỗ. Các chị em đang muốn trổ tài làm những chiếc bánh trung thu cho riêng mình mà ngại cầu kỳ, tốn kém thì đã có giải pháp nồi chiên không dầu đây rồi. Chúng ta cùng tham khảo 4 cách làm bánh trung thu bằng nồi chiên không dầu ngon bất ngờ dưới đây nhé!

Top 4 cách làm bánh trung thu bằng nồi chiên không dầu

Làm bánh trung thu nay đã đơn giản hơn với nồi chiên không dầu.
Làm bánh trung thu nay đã đơn giản hơn với nồi chiên không dầu.

Bài viết sau sẽ giới thiệu cho các bạn 4 cách làm bánh trung thu bằng nồi chiên không dầu. Các món bánh trung thu này rất quen thuộc, nay lại càng đơn giản dễ thực hiện hơn nhờ có chiếc nồi chiên không dầu. Bắt tay vào thực hiện ngay nào!

Cách làm bánh trung thu nhân đậu xanh trứng muối

Bánh trung thu có nhân đậu xanh trứng muối là loại bánh quá quen thuộc với chúng ta rồi. Vỏ bánh vàng đều, nhân bên trong ngọt nhẹ của đậu xanh hòa cùng trứng muối béo béo. Lần này chúng ta sẽ thực hiện món này hoàn toàn bằng nồi chiên không dầu.

Bánh trung thu đậu xanh trứng muối là món bánh quen thuộc dịp trung thu.
Bánh trung thu đậu xanh trứng muối là món bánh quen thuộc dịp trung thu.

Nguyên liệu cần chuẩn bị:

Nguyên liệu cho vỏ bánh:

  • Bột mì đa dụng: 255 gram.
  • Nước đường bánh nướng: 160 gram.
  • Nước tro tàu: 8 ml.
  • Trứng gà: 1 quả.
  • Dầu ăn: 60 ml.

Nguyên liệu cho nhân đậu xanh trứng muối:

  • Trứng muối: 6 cái.
  • Đậu xanh: 240 gram.
  • Đường cát: 240 gram.
  • Dầu mè: 1 ít.
  • Rượu trắng: 1 ít.

Hỗn hợp quét lên mặt bánh:

  • Lòng đỏ trứng gà: 1 cái.
  • Sữa tươi không đường: 1 muỗng canh.
Nguyên liệu làm bánh trung thu đậu xanh trứng muối.
Nguyên liệu làm bánh trung thu đậu xanh trứng muối.

Các bước thực hiện:

Bước 1: Nấu nước đường làm bánh trung thu

Bạn cần chuẩn bị 300ml nước, 500 gram đường và 1 muỗng nước cốt chanh.

Đầu tiên cho vào nồi 100 gram đường và 100ml nước, đun cho đến khi hỗn hợp chuyển sang màu vàng.

Chừng nào nước đường ngả màu vàng đậm, bạn cho 400 gram đường còn lại và 200ml nước vào. Nấu với lửa nhỏ trong vòng 30 phút, bạn canh khoảng 15 phút thì cho vào 1 muỗng nước cốt chanh.

Nấu nước đường làm bánh trung thu.
Nấu nước đường làm bánh trung thu.

Khi hết 30 phút bạn tắt bếp, đổ nước đường ra khay nhỏ và để qua một đêm thì nước đường sẽ quánh lại.

Chú ý: nước đường làm xong thì nên chờ ít nhất 3 ngày trở lên mới bắt đầu làm bánh trung thu nhân đậu xanh trứng muối nhé.

Bước 2: Ngâm và nấu đậu xanh

Đem 240 gram đậu xanh vo thật sạch rồi ngâm nước từ 2 – 3 tiếng cho hạt đậu nở mềm.

Khi đậu đã đạt độ mềm bạn chắt bỏ nước, cho vào nồi nấu cùng 800ml nước và ½ muỗng cà phê muối. Hãy chỉnh lửa vừa trong vòng 15 phút.

Ngâm đậu xanh và nấu cho hạt mềm ra.
Ngâm đậu xanh và nấu cho hạt mềm ra.

Sau đó cho vào 240 gram đường cát khuấy đều, nấu thêm 5 phút nữa cho gần cạn nước rồi tắt bếp.

Bước 3: Sên nhân đậu xanh

Cho đậu xanh vừa nấu xong vào máy xay sinh tố xay thật nhuyễn. Đổ hỗn hợp đậu ra chảo và sên cho đậu khô lại, từ từ cho 4 muỗng canh dầu ăn vào chảo (mỗi lần 2 muỗng), khuấy đều.

Sên phần nhân đậu xanh.
Sên phần nhân đậu xanh.

Lấy 1,5 muỗng canh bột mì hòa tan cùng 3 muỗng canh nước, cho từ từ vào hỗn hợp trên rồi tiếp tục sên cho đến khi bạn thấy nhân đậu hình thành khối dẻo mịn, không dính chảo, không bị chảy xệ là đạt. Cuối cùng cho ra tô và để nguội.

Bước 4: Trộn bột bánh

Cho vào tô phần nước đường đã chuẩn bị từ trước, 1 quả trứng gà, 60ml dầu ăn và 8ml nước tro tàu trộn đều.

Kế tiếp, bạn dùng một cái rây và rây mịn 240 gram bột mì vào hỗn hợp nước đường. Tiếp tục trộn cho nguyên liệu kết dính lại với nhau.

Trộn bột chuẩn bị làm bánh đậu xanh trứng muối.
Trộn bột chuẩn bị làm bánh đậu xanh trứng muối.

Dùng tay để nhào bột sao cho bột thành một khối đồng nhất, dẻo quánh không dính tay là đạt. Lấy màng thực phẩm bọc kín phần bột lại và để nghỉ trong 60 phút.

Bước 5: Sơ chế và nướng trứng muối
Chuẩn bị phần trứng muối để làm bánh.
Chuẩn bị phần trứng muối để làm bánh.

Trứng muối bạn chỉ lấy phần lòng đỏ, cho vào tô thêm một ít rượu trắng đảo đều. Xếp trứng vào nồi chiên không dầu, nên lót một tấm giấy nến trước nhé.

Quét một ít dầu mè lên trứng muối rồi đặt hẹn nướng ở 170 độ C trong 5 phút. Sau khi nướng xong, bạn cứ để yên trứng trong nồi chiên không dầu 5 phút rồi hãy lấy ra.

Bước 6: Tạo hình bánh trung thu đậu xanh trứng muối

Bạn chia phần vỏ bánh và nhân bánh theo tỉ lệ sau: 66 gram vỏ bánh – 135 gram nhân bánh (đã bao gồm trứng muối) và vo tròn.

Dùng ngón cái ấn dẹt phần nhân đậu xanh, cho vào 1 cái lòng đỏ trứng muối rồi túm kín nhân lại thành hình tròn.

Bọc phần nhân trứng muối lại rồi vo tròn.
Bọc phần nhân trứng muối lại rồi vo tròn.

Tiếp theo bạn lấy một cái thớt phẳng, rắc lên chút bột mì để cán bột không bị dính. Đặt viên bột vỏ bánh lên rồi dùng cây cán bột cán thật mỏng. Lấy viên nhân đậu xanh trứng muối cho vào giữa rồi gói kín lại, vo tròn.

Phần tạo khuôn cho bánh, nếu bạn không có máy tạo hình bánh trung thu, bạn cũng có thể sử dụng các khuôn bánh thủ công như khuôn lò xo được bán rất phổ biến. Dùng dầu ăn thoa đều bên trong khuôn bánh, cho bánh vào rồi ấn mạnh để bánh dàn đều trong khuôn.

Tạo hình cho bánh trung thu nhân đậu xanh trứng muối.
Tạo hình cho bánh trung thu nhân đậu xanh trứng muối.

Nhấn mạnh lò xo, giữ yên trong 10 giây rồi rút khuôn bánh ra. Chúng ta sẽ có bánh trung thu đậu xanh trứng muối được tạo hình với hoa văn sắc nét.

Bước 7: Nướng bánh trung thu đậu xanh trứng muối bằng nồi chiên không dầu

Trước hết hãy làm nóng nồi chiên không dầu trong 5 phút với nhiệt độ 200 độ C.

Lót một lớp giấy nến lên khay chiên rồi xếp bánh vào. Xịt một lớp hơi sương nước lên mặt bánh rồi nướng lần 1 ở 155 độ C trong 5 phút. Sau 5 phút bạn kéo khay ra và để cho bánh nguội hẳn.

Đem 1 cái lòng đỏ trứng gà hòa tan cùng 1 muỗng canh sữa tươi không đường. Quét hỗn hợp này lên mặt bánh và nướng lần 2 trong 7 phút, nhiệt độ 145 độ C.

Quét lớp trứng lên mặt bánh trung thu trong quá trình nướng.
Quét lớp trứng lên mặt bánh trung thu trong quá trình nướng.

Sau lần 2, bạn lật mặt bánh trung thu lại, nướng lần 3 thêm 5 phút ở 145 độ C là hoàn thành.

Bánh trung thu đậu xanh trứng muối chín vàng thơm nức.
Bánh trung thu đậu xanh trứng muối chín vàng thơm nức.

Như vậy là bạn đã nướng xong bánh trung thu nhân đậu xanh trứng muối bằng nồi chiên không dầu. Bánh có lớp vỏ thơm nức đan xen cùng nhân đậu bùi bùi, trứng muối mằn mặn uống kèm với trà nóng thì còn gì bằng.

Cách làm bánh trung thu thập cẩm

Công thức kế tiếp chính là món bánh trung thu thập cẩm thực hiện bằng nồi chiên không dầu. Đảm bảo bạn sẽ bất ngờ vì bánh thơm ngon không thua ngoài tiệm luôn nhé.

Bánh trung thu thập cẩm nướng bằng nồi chiên không dầu ngon không kém ngoài tiệm.
Bánh trung thu thập cẩm nướng bằng nồi chiên không dầu ngon không kém ngoài tiệm.

Chuẩn bị nguyên liệu

Nguyên liệu cho vỏ bánh:

  • Bột mì đa dụng: 160 gram.
  • Dầu ăn: 30ml.
  • Nước đường bánh nướng: 100 gram.
  • Muối: 2 gram.
  • Lòng đỏ trứng gà: 20 gram.

Nguyên liệu làm nhân bánh thập cẩm:

  • Lạp xưởng cắt hạt lựu: 50 gram.
  • Chà bông: 50 gram.
  • Hạt điều xay nhỏ: 80 gram.
  • Mứt bí đao: 70 gram.
  • Mè trắng: 30 gram.
  • Lá chanh cắt nhỏ.
  • Mỡ đường: 30 gram.
  • Nước đường bánh nướng: 40 gram.
  • Rượu mai quế lộ: 10 gram.
  • Bột bánh dẻo: 20 gram.

Hỗn hợp quét lên mặt bánh:

  • Lòng đỏ trứng gà: 1 cái.
  • Dầu mè: ½ muỗng cà phê.
  • Nước: 10 gram.
Chuẩn bị nguyên liệu cho bánh trung thu thập cẩm.
Chuẩn bị nguyên liệu cho bánh trung thu thập cẩm.

Các bước thực hiện món bánh trung thu thập cẩm bằng nồi chiên không dầu

Bước 1: Làm vỏ bánh

Cho vào tô 100 gram nước đường bánh nướng, 20 gram lòng đỏ trứng, 30ml dầu ăn, 2 gram muối. Trộn đều cho nước đường sánh lại.

Các bước làm vỏ bánh thập cẩm.
Các bước làm vỏ bánh thập cẩm.

Bạn ray 160 gram bột mì vào hỗn hợp nước đường rồi trộn cho bột dính lại. Dùng tay nhào kĩ cho bột thành khối dẻo mịn, ko dính tay là đạt. Kế đến bạn dùng màng thực phẩm bọc phần bột làm vỏ lại, để cho bột nghỉ 60 phút.

Bước 2: Làm nhân thập cẩm
  • Cho 50 gram lạp xưởng cắt hạt lựu.
  • 50 gram chà bông.
  • 80 gram hạt điều xay nhỏ.
  • 70 gram mứt bí đao.
  • 30 gram mè trắng.
  • lá chanh cắt nhỏ.
  • 30 gram mỡ đường .
  • Vào một cái tô lớn rồi trộn đều tất cả nguyên liệu trên.

Tiếp theo bạn cho vào hỗn hợp trên 10 gram rượu mai quế lộ và 40 gram nước đường bánh nướng để tạo độ ngọt cho phần nhân.

Trộn đều các nguyên liệu cho phần nhân thập cẩm.
Trộn đều các nguyên liệu cho phần nhân thập cẩm.

Cho từ từ 20 gram bột bánh dẻo vào. Trộn đều tay cho đến khi nhân bánh kết dính thành khối hoàn toàn.

Bước 3: Tạo hình cho bánh trung thu thập cẩm

Bạn cho hỗn hợp nhân thập cẩm vừa làm xong ra dĩa, chia thành các phần nhỏ đều nhau khoảng 40 gram. Dùng tay vo thành các viên tròn đều.

Phần bột làm vỏ bạn cũng chia ra các phần nhỏ, khoảng 30 gram. (tỉ lệ giữa vỏ bánh và nhân bánh là 2 phần vỏ : 3 phần nhân).

Dùng cây cán bột cán cho bột vỏ thành những miếng dẹp mỏng tầm 0.2 cm. Cho viên nhân thập cẩm vào giữa rồi túm mép lại, vo thành viên tròn sao cho vỏ bánh phủ hết phần nhân bên trong.

Công đoạn tạo hình cho bánh thập cẩm.
Công đoạn tạo hình cho bánh thập cẩm.

Quét một ít dầu lên khuôn bánh, nhớ rắc một chút bột mì vào khuôn để bánh không bị dính nhé. Dùng một tay ấn giữ lò xo, tay kia giữ chặt khuôn trong khoảng 20 giây rồi nhẹ nhàng thả bánh trung thu thập cẩm được tạo hình ra.

Làm tương tự với các phần bánh còn lại, bạn có thể chuẩn bị thêm nhiều khuôn đa dạng để có những tạo hình bánh khác nhau.

Bước 4: Nướng bánh thập cẩm bằng nồi chiên không dầu

Bạn nên làm nóng nồi chiên không dầu trước trong 5 – 10 phút với nhiệt độ 200 độ C. Kéo khay chiên ra và lót một lớp giấy nến vào trước khi xếp bánh để nướng.

Lần lượt xếp bánh vào khay chiên, xịt một lớp hơi nước mỏng lên trên bề mặt bánh để tránh bánh bị nứt.

Nướng lần thứ nhất ở nhiệt độ 160 độ C trong 8 phút. Sau khi hết 8 phút bạn kéo khay chiên ra, xịt một chút hơi sương nước lên bánh rồi để một lát cho nguội.

Trong khi chờ bánh nguội, bạn cho 1 cái lòng đỏ trứng, ½ muỗng cà phê dầu mè cùng một chút nước vào khuấy đều để làm hỗn hợp quét lên mặt bánh.

Quét hỗn hợp sốt lên mặt bánh thập cẩm trước khi nướng.
Quét hỗn hợp sốt lên mặt bánh thập cẩm trước khi nướng.

Quét đều hỗn hợp trên lên mặt bánh rồi tiếp tục đưa bánh nướng lần 2 trong nồi chiên không dầu 140 độ C trong 5 phút. Lặp lại việc quét chút hỗn hợp lên mặt bánh và phun hơi sương trước khi nướng lần cuối cùng.

Lần thứ 3 bạn cũng nướng bánh 140 độ C trong 5 phút thấy bánh chín vàng là đã thành công. Gắp bánh ra khỏi nồi và đợi bánh nguội là có thể thưởng thức rồi.

Bánh trung thu thập cẩm có thể giữ được 5 ngày ở nhiệt độ thường.
Bánh trung thu thập cẩm có thể giữ được 5 ngày ở nhiệt độ thường.

Bánh trung thu nhân thập cẩm vừa hoàn thành sẽ có màu vàng nâu rất ưng mắt. Bạn để bánh ở nhiệt độ phòng trong 18 – 20 tiếng cho bánh mềm tươm dầu rồi mới gói lại, bảo quản ở tủ lạnh. Bánh có thể giữ khoảng 5 ngày ở nơi thoáng mát và giữ ở tủ lạnh khoảng 2 tuần mà vẫn thơm ngon, nhân bánh béo ngậy.

Cách làm bánh trung thu nhân sữa dừa sầu riêng

Chiếc bánh trung thu với combo dừa – sầu riêng siêu đỉnh chắc chắn sẽ làm cho những fan trung thành với sầu riêng siêu lòng ngay. Nghe thì có vẻ phức tạp nhưng thực chất, loại nhân này rất dễ làm hầu như không bị hỏng bao giờ. Vừa có mùi thơm sầu riêng nức mũi, vừa có vị béo thanh của sữa dừa. Còn chần chừ gì mà không bắt tay vào thử ngay.

Bánh trung thu nhân sữa dừa sầu riêng độc đáo lạ miệng.
Bánh trung thu nhân sữa dừa sầu riêng độc đáo lạ miệng.

Nguyên liệu cần chuẩn bị

Nguyên liệu làm nhân sữa dừa sầu riêng

  • Dừa tươi nạo sợi: 200 gram.
  • Sữa đặc: 60 – 80 gram.
  • Nước cốt dừa: 150 gram.
  • Thịt sầu riêng tươi: 70 gram.
  • Hạt vừng trắng (đã rang chín): 25 gram.
  • Bột bánh dẻo: 20 gram.

Nguyên liệu làm vỏ bánh

  • Nước đường: 80 gram.
  • Lòng đỏ: 10 gram.
  • Dầu ăn: 15 gram.
  • Bột mì đa dụng: 110 – 120 gram.

Hỗn hợp để quét mặt bánh

  • Lòng đỏ trứng gà: 1 cái.
  • Sữa tươi không đường: 3 muỗng cà phê.
  • Dầu vừng: ½ muỗng cà phê.
Nguyên liệu làm bánh trung thu sữa dừa sầu riêng.
Nguyên liệu làm bánh trung thu sữa dừa sầu riêng.

Các bước thực hiện bánh trung thu nhân sữa dừa sầu riêng bằng nồi chiên không dầu

Bước 1: Làm nhân sữa dừa

Ngâm 200 gram dừa nạo sợi, 60 gram sữa đặc và 150 gram nước cốt dừa trong một cái tô từ 45 – 60 phút. Sau đó cho hỗn hợp trên vào chảo đảo đều trên lửa nhỏ đến khi nước cạn gần hết.

Cho 70 gram thịt sầu riêng vào đảo chung, cần lưu ý chỉ cho thịt sầu riêng vào khi nước gần cạn hết. Vì sên quá lâu sẽ khiến sầu riêng mất đi mùi thơm.

Tiếp tục sên cho đến khi chỉ còn một chút nước bám trên chảo thì cho vừng vào đảo đều rồi tắt bếp.

Làm phần nhân sữa dừa sầu riêng.
Làm phần nhân sữa dừa sầu riêng.

Cho 20 gram bột bánh dẻo vào từ từ, trộn cho đến lúc nhân bánh quánh lại, khô ráo. Dùng màng bọc kín phần nhân vừa trộn xong, để nguội hoàn toàn. Sau đó cho vào tủ lạnh vài giờ để nhân bánh cứng dễ chế biến hơn.

Bước 2: Làm vỏ bánh và tạo hình bánh

Bạn cho vào tô 10 gram lòng đỏ, 80 gram nước đường và 15 gram dầu ăn. Trộn đều hỗn hợp trên.

Tiếp tục cho 120 gram bột mì vào và dùng tay nhào cho bột kết dính lại thành một khối. Dùng màng bọc phần bột làm vỏ lại và chờ 30 phút.

Sau đó bạn chia phần bột làm vỏ thành từng phần đều nhau, tầm 30 gram rồi vo tròn thành viên. Nhân sữa dừa sầu riêng bạn cũng chia thành các phần tương tự rồi túm lại thành viên tròn.

Vo thành viên tròn phần vỏ bánh và nhân bánh.
Vo thành viên tròn phần vỏ bánh và nhân bánh.

Lấy viên bột làm vỏ đặt lên trên mặt phẳng, dùng cây cán bột cán mỏng thành miếng dẹp rồi cho cục nhân sữa dừa sầu riêng vào giữa. Nắn cho bánh được tròn đều.

Quét một chút dầu vào khuôn làm bánh rồi cho bánh vào khuôn, ép mạnh lò xo và giữ trong 30 giây. Nhấc bánh đã được tạo hình nhẹ nhàng ra khỏi khuôn.

Nặn và vo tròn viên bánh.
Nặn và vo tròn viên bánh.
Tạo hình bánh trung thu bằng khuôn sắc nét.
Tạo hình bánh trung thu bằng khuôn sắc nét.
Bước 3: Nướng bánh bằng nồi chiên không dầu

Làm nóng nồi chiên không dầu với nhiệt độ 180 độ C trong 5 phút.

Lót một lớp giấy nên trong khay chiên rồi xếp bánh vào. Nướng bánh lần thứ nhất ở nhiệt độ 155 độ C, thời gian nướng từ 8 – 10 phút đến khi bánh chuyển sang màu vàng. Để cho bánh nguội hẳn.

Nướng bánh trung thu nhân sữa dừa sầu riêng với nồi chiên không dầu.
Nướng bánh trung thu nhân sữa dừa sầu riêng với nồi chiên không dầu.

Bạn pha hỗn hợp gồm 1 lòng đỏ trứng, 3 muỗng cà phê sữa tươi không đường, ½ muỗng cà phê dầu vừng. Quét lên mặt bánh vừa nguội xong rồi cho bánh vào nướng lần 2. Nhiệt độ ở 155 – 160 độ C trong 5 phút.

Sau khi bánh nguội bạn xịt một ít hơi sương lên mặt bánh sẽ giúp bánh không bị nứt mặt.

Cuối cùng bạn cho bánh vào nướng lần 3 trong 5 phút với mức nhiệt 150 độ C. Lần nướng thứ 3 chủ yếu giúp bánh khô và lên màu vàng đẹp hơn.

Bánh thành phẩm có phần nhân dừa sầu riêng rất hấp dẫn.
Bánh thành phẩm có phần nhân dừa sầu riêng rất hấp dẫn.

Bánh sau khi nướng xong sẽ có màu vàng đẹp mắt, bạn cho vào tủ gói kín lại. Để ở nhiệt độ phòng từ 1 – 2 ngày là mặt bánh sẽ tươm dầu, vỏ bánh mềm mịn kết hợp nhân dừa sầu riêng rất thơm ngon.

Cách làm bánh trung thu đậu xanh 3 lớp

Bạn muốn đổi vị vì ngán bánh trung thu quen thuộc chăng? Hãy biến tấu một chút với công thức mới có tận 3 lớp nhân kết hợp, ăn hoài không chán. Đặc biệt lần này cũng không cần dùng tới lò nướng, chỉ với nồi chiên không dầu là bạn sẽ có ngay món bánh hấp dẫn này.

Bánh trung thu đậu xanh với 3 lớp nhân kết hợp.
Bánh trung thu đậu xanh với 3 lớp nhân kết hợp.

Chuẩn bị nguyên liệu

Nguyên liệu làm vỏ bánh

  • Bột mì đa dụng: 240 gram.
  • Nước đường: 160 gram.
  • Bơ đậu phộng: 20 gram.
  • Lòng đỏ trứng gà: 1 cái.
  • Dầu ăn: 30ml.

Nguyên liệu làm nhân bánh đậu xanh 3 lớp

  • Đậu xanh đã cà vỏ: 150 gram.
  • Đường: 100 gram.
  • Bột trà xanh: 5 gram.
  • Bột ca cao: 5 gram.
  • Bột mì đa dụng: 1/2 muỗng canh.
  • Muối: 1/2 muỗng cà phê.
  • Dầu dừa (hoặc dầu ăn): 2 muỗng canh.
  • Nước: 500ml.

Hỗn hợp quét mặt bánh

  • Lòng đỏ trứng gà: 1 cái.
  • Sữa tươi không đường: 4 muỗng cà phê.
Nguyên liệu cần cho món bánh trung thu đậu xanh 3 lớp.
Nguyên liệu cần cho món bánh trung thu đậu xanh 3 lớp.

Tiến hành làm bánh trung thu nhân đậu xanh 3 lớp

Bước 1: Ngâm và sơ chế đậu xanh

Bạn đem 150 gram đậu xanh vo thật sạch rồi ngâm trong nước từ 2 – 4 tiếng cho hạt đậu mềm ra.

Chuẩn bị phần đậu xanh cho bánh trung thu 3 lớp.
Chuẩn bị phần đậu xanh cho bánh trung thu 3 lớp.

Cho số đậu xanh vừa ngâm vớt ra vào một cái nồi, thêm 500ml nước nấu lửa lớn cho sôi lên. Tiếp theo, bạn vặn nhỏ lửa xuống và nấu thêm chừng 20 phút để đậu thật mềm nhừ. Phần bọt nổi lên bạn nhớ vớt bỏ nhé.

Bước 2: Sên nhân đậu xanh

Bạn lấy phần đậu xanh vừa nấu xong cho vào máy xay sinh tố xay thật nhuyễn. Lấy một cái chảo rồi cho phần đậu xay nhuyễn vào, 100 gram đường, ½ muỗng cà phê muối. Tất cả nấu ở lửa nhỏ, vừa nấu vừa khuấy đều đến khi sôi lên.

Bạn tiếp tục cho thêm 2 muỗng canh dầu dừa (nếu không có thì có thể lấy dầu ăn thay thế), đảo đều tay cho nhân đậu kết dính lại với nhau.

Cuối cùng, bạn hòa tan ½ muỗng canh bột mì với 1 muỗng canh nước, cho vào chảo đậu xanh. Sên cho đến khi bạn thấy nhân đậu đã quánh lại thành khối dẻo mịn, không còn dính chảo hay dính tay là đạt.

Sên nhân đậu xanh cho bánh trung thu 3 lớp thật dẻo mịn.
Sên nhân đậu xanh cho bánh trung thu 3 lớp thật dẻo mịn.
Bước 3: Bọc nhân bánh

Hỗn hợp nhân đậu xanh vừa sên xong bạn chờ một chút cho nguội rồi chia làm 3 phần theo thứ tự từ nhỏ đến lớn.

Phần lớn thứ nhất bạn cho vào 5 gram bột trà xanh. Phần lớn thứ hai bạn cho vào 5 gram bột ca cao. Bạn dùng tay nhào cho hai phần nhân trên được đều màu, vo tròn thành viên.

Như vậy chúng ta đã có 3 viên nhân theo thứ tự: lớn nhất là viên trà xanh, viên thứ nhì là viên ca cao, viên nhỏ nhất là viên đậu xanh.

Tạo 3 viên nhân theo thứ tự từ lớn tới nhỏ.
Tạo 3 viên nhân theo thứ tự từ lớn tới nhỏ.

Tiếp tục chia đều mỗi viên nhân trên thành 6 phần bằng nhau. Hãy vo tròn phần viên nhân đậu xanh, sau đó cán dẹp phần ca cao thành lát hơi mỏng rồi cho viên đậu xanh vào giữa. Túm lại và vo tròn.

Vo tròn nhân ca cao.
Vo tròn nhân ca cao.

Tiếp tục cán dẹp phần trà xanh ra, cho viên cacao – đậu xanh vừa vo tròn vào giữa. Túm lại một lần nữa và vo lại thành viên tròn.

Làm tương tự với các phần còn lại, như vậy là chúng ta đã có những viên nhân 3 lớp rất bắt mắt. Bạn nhớ dùng màng bọc các viên nhân trước khi làm phần bánh kế tiếp nhé.

Vo tròn nhân trà xanh.
Vo tròn nhân trà xanh.
Bước 4: Làm vỏ bánh và tạo hình cho bánh

Lấy 1 cái tô rồi rây mịn 240 gram bột mì vào, thêm 160 gram nước đường, 20 gram bơ đậu phộng, 1 lòng đỏ trứng và 30ml dầu ăn.

Bạn lấy tay trộn đều hỗn hợp trên hoặc dùng máy đánh trứng để trộn cho đến khi hỗn hợp quánh đặc lại thành khối đồng nhất. Chia phần bột làm vỏ vừa trộn xong thành nhiều phần bằng nhau, tầm 42 gram rồi vo lại.

Làm vỏ bánh trung thu 3 lớp.
Làm vỏ bánh trung thu 3 lớp.

Dùng cây cán bột cán cho viên vỏ bánh hơi dẹt ra thành hình tròn, đặt viên nhân 3 lớp vào giữa. Túm các mép vỏ bánh lại để bao bọc phần nhân trọn vẹn.

Bao phần nhân đậu 3 lớp lại thành viên tròn.
Bao phần nhân đậu 3 lớp lại thành viên tròn.

Quét một chút dầu ăn vào khuôn bánh trung thu rồi cho viên bánh vào, ấn giữ lò xo trong 30 giây rồi đẩy nhẹ bánh ra. Vậy là bạn đã có bánh trung thu 3 lớp được tạo hình chờ nướng.

Bước 5: Nướng bánh trung thu đậu xanh 3 lớp bằng nồi chiên không dầu

Làm nóng nồi chiên không dầu trong 5 phút với nhiệt độ 180 độ C.

Trong khi chờ nồi nóng, bạn sẽ làm hỗn hợp để quét lên mặt bánh trung thu khi nướng. Hòa tan 1 cái lòng đỏ trứng và 4 muỗng cà phê sữa tươi không đường vào một chén nhỏ, chuẩn bị sẵn cọ nhỏ để quét bánh.

Chuẩn bị hỗn hợp quét bánh và nướng bánh lần thứ nhất.
Chuẩn bị hỗn hợp quét bánh và nướng bánh lần thứ nhất.

Bạn có thể lót một lớp giấy nến vào nồi, xếp bánh lần lượt vào khay chiên. Hãy phun một lớp hơi sương lên mặt bánh và nướng bánh trong 5 phút ở nhiệt độ 150 độ C.

Tiếp theo bạn lấy bánh ra và chờ bánh nguội khoảng 5 phút. Quét lên mặt bánh hỗn hợp vừa chuẩn bị xong, cho bánh vào nồi chiên không dầu nướng lần thứ hai. Đặt nhiệt độ 150 độ C trong 5 phút.

Quét bề mặt bánh và nướng lần hai.
Quét bề mặt bánh và nướng lần hai.

Cuối cùng bạn chờ bánh nguội rồi trở mặt bánh, nướng lần thứ ba cũng trong 5 phút ở mức nhiệt 150 độ C là đã hoàn thành rồi.

Bánh trung thu nhân đậu xanh 3 lớp rất đẹp mắt và ngọt vị với 3 lớp nhân.
Bánh trung thu nhân đậu xanh 3 lớp rất đẹp mắt và ngọt vị với 3 lớp nhân.

Chúng ta sẽ có thành phẩm là những chiếc bánh trung thu đậu xanh 3 lớp ngon tuyệt được thực hiện bằng nồi chiên không dầu. Bạn để qua 1 đêm cho bánh tươm dầu sẽ ngon hơn hẳn, khi cắt ra bánh nổi bật với 3 lớp nhân màu rực rỡ là xanh, nâu và vàng. Lớp vỏ nướng chín thơm phức cùng 3 vị nhân bùi bùi ngọt nhẹ ăn mãi không chán luôn.

Câu hỏi thường gặp khi làm bánh trung thu bằng nồi chiên không dầu

Làm bánh trung thu bằng nồi chiên không dầu có ngon như lò nướng chuyên dụng không?

Bánh trung thu được nướng bằng nồi chiên không dầu sẽ có vị thơm ngon và chất lượng tương tự như làm bằng lò nướng chuyên dụng. Bạn hãy nhớ nướng bánh trong nồi chiên không dầu với số lượng ít hoặc vừa phải thì bánh sẽ chín đều và thơm ngon.

Ngoài ra, bạn có thể an tâm khi nướng bánh trung thu bằng nồi chiên không dầu thay cho lò nướng thông thường. Nồi chiên không dầu thiết kế nhỏ gọn, tiêu thụ điện năng ít rất tiết kiệm chi phí. Nồi chiên không dầu còn tích hợp chức năng hẹn giờ, tự động ngắt…cực kỳ an toàn khi sử dụng.

Tỉ lệ khuôn, vỏ bánh trung thu và nhân bánh chuẩn nhất là bao nhiêu?

Bạn có thể áp dụng tỉ lệ khuôn, vỏ và nhân bánh để bánh làm ra chuẩn nhất. Áp dụng cho tất cả các loại bánh trung thu:

  • Khuôn 50g: 20g vỏ bánh trung thu và 30g nhân.
  • Khuôn 75g: 30g vỏ bánh trung thu và 45g nhân.
  • Khuôn 125g: 50g vỏ bánh trung thu và 75g nhân.
  • Khuôn 150g: 60g vỏ bánh trung thu và 90g nhân.
  • Khuôn 200g: 80g vỏ bánh trung thu và 120g nhân.

Thời gian và nhiệt độ khi nướng bánh trung thu bằng nồi chiên không dầu?

Nồi chiên không dầu thường có nhiệt độ nướng thấp hơn lò nướng thông thường, nên bánh trung thu chỉ nướng ở khoảng 140 – 160 độ C là được. Nhớ làm nóng nồi trước 10 phút nhé.

Để bánh trung thu được nướng chín vàng đều, thông thường chúng ta sẽ cần 3 lần nướng:

  • Lần 1: Nướng ở nhiệt độ khoảng 155 độ C trong 8 – 10 phút tới khi bánh chín. Chờ cho bánh nguội hoàn toàn rồi quét mặt bánh.
  • Lần 2: Nướng ở khoảng 150 độ trong 4 – 5 phút đến khi bánh vàng. Lặp lại bước nướng này thêm lần thứ ba để bánh chín vàng.

Mỗi loại nồi chiên không dầu có công suất khác nhau nên thiết lập nhiệt độ và thời gian có thể xê dịch đi một chút. Bạn có thể kiểm tra lại phần hướng dẫn sử dụng của dòng nồi đang dùng để bánh được chất lượng nhất.

Ăn bánh trung thu có béo không?

Bánh trung thu cung cấp lượng calo dao động khoảng từ 500 – 800 calo/cái. Riêng các loại bánh chay sẽ khoảng 150 – 300 calo/cái.

Mỗi ngày cơ thể cần tối đa 2000 calo, cho nên bạn ăn từ 1 – 2 chiếc bánh trung thu là đã cung cấp đủ mức năng lượng cho cơ thể so với lượng cần nạp vào trong ngày.

Bạn phải lưu ý nếu ăn quá liều lượng này hoặc sử dụng thêm các thực phẩm khác sẽ gây thừa calo và rất dễ bị béo.

Mỡ đường làm bánh trung thu bảo quản như thế nào? Có thể giữ được bao lâu?

Bạn hãy cho mỡ đường vào túi ni lông, ép hết không khí ra ngoài rồi cột chặt. Hoặc cho vào hộp đựng có nắp, đậy kín rồi trữ đông trong tủ lạnh. Có thể bảo quản mỡ đường trong tủ lạnh khoảng 1 tháng, nếu để ở nhiệt độ phòng là 5 – 7 ngày.

Bạn nên làm lượng mỡ đường vừa phải để dùng ngay sẽ ngon hơn. Vì nếu để lâu mỡ sẽ dễ bị hôi mùi dầu hoặc chảy đường.

Tại sao vỏ bánh trung thu bị nứt khi nướng và khắc phục ra sao?

Bánh Trung Thu bị nứt khi nướng khiến chiếc bánh của bạn mất đi thẩm mỹ. Nguyên nhân là do bạn nhào bột quá khô hoặc chưa để bột có thời gian nghỉ. Ngoài ra, còn do quét quá nhiều lòng đỏ trứng gà, dầu ăn lên bánh hoặc quét lên khi vỏ bánh nướng chưa khô.

Như vậy, bạn cần chú ý hơn trong lúc nhồi bột. Không nhồi bột quá khô và phải cho bột có thời gian nghỉ và nở đều. Sử dụng chổi quét chuyên dụng để quét một lớp mỏng vừa đủ hỗn hợp trứng lên mặt bánh. Nhớ chỉ quét sau khi vỏ bánh đã khô se lại.

Lý do bánh trung thu thành phẩm bị khô cứng hoặc bị ướt chứ không đạt ý muốn?

Trường hợp bánh bị khô cứng là do bạn nướng quá kĩ hoặc đặt nhiệt độ quá cao. Ngoài ra phần nhân bị cứng là do ít dầu, dầu chưa thấm được vào nhân. Vỏ bánh bị cứng thì là do nước đường quá đặc. Hãy để nhiệt độ nướng trong nồi phù hợp với kích thước và trọng lượng của bánh nhé.

Nếu bánh làm ra bị ướt là do bạn nướng bánh chưa đạt. Phải đạt chuẩn khi vỏ bánh hơi cứng như bánh quy, để tầm 2 – 3 ngày là dầu thấm ra phần vỏ sẽ ngon mềm. Còn vừa lấy bánh ra mà vỏ đã ngon vừa ăn thì sau 2 -3 ngày bánh sẽ bị ướt.

Thêm vào đó bạn dùng đường bị đọng hạt li ti để làm bánh sẽ khiến bánh bị ướt. Nguyên tắc quan trọng là không được dùng bất cứ thứ gì khuấy nước đường trong thời gian nấu nhé. Khi nướng bánh cũng xịt thêm nước vừa đủ thôi, nếu nhiều nước quá chắc chắn bánh sẽ bị ướt.


Mẹo hay giúp bạn làm bánh trung thu ngon không kém mua tiệm

  • Mỗi nồi chiên không dầu có công suất khác nhau. Nếu bạn theo dõi thấy bánh nướng vàng mặt quá nhanh, hãy phủ một lớp giấy bạc lên mặt bánh. Đến lần nướng thứ 3 hẳn mở giấy phủ ra để bánh vàng đều.
  • Bánh nướng xong thường có vỏ hơi cứng, bạn khoan dùng ngay mà hãy chờ từ 1 – 2 ngày. Dầu sẽ tươm ra và vỏ bánh sẽ mềm ngon đạt chuẩn.
  • Dung tích chứa của nồi chiên không dầu khá nhỏ nên bạn hãy chia bánh ra nướng nhiều lần. Trong khi nướng lần 1 thì bạn đóng bánh, đợi mẻ đầu nguội thì bạn nướng gối cho mẻ hai luôn nhé.
  • Đế bánh không bị biến dạng, bạn nên có một cái cân điện tử để cân bột thật chính xác khi phân chia vỏ bánh và nhân bánh.
  • Nước đường làm bánh trung thu khi làm xong cần để một thời gian từ 1 – 2 tháng thì làm bánh mới ngon. Nếu cần gấp, bạn có thể mua nước đường chế biến sẵn đóng chai, hoặc thay thế bằng mật ong.
  • Khi bọc bánh, nếu không khéo thì lớp vỏ bánh không áp sát vào nhân. Điều này sẽ tạo thành các khoảng trống có không khí, bánh sẽ phồng lên và dễ bị nứt khi nướng. Có thể giải quyết bằng cách lấy tăm châm nhẹ vào các lỗ trống rồi miết lại cho kín.
  • Bánh nướng xong lên màu chưa đẹp, do bạn dùng nước đường chưa đủ ngày để chế biến. Bạn có thể hòa thêm chút màu thực vật hoặc bột tro tàu vào hỗn hợp quét lên mặt bánh khi nướng.
  • Chọn đường làm bánh trung thu thì nên dùng đường trắng hoặc đường nâu, không nên dùng đường thốt nốt vì khi nấu sẽ có mùi hăng, ảnh hưởng vị bánh.
  • Khi làm bánh trung thu bằng nồi chiên không dầu, ngoài nhân đậu xanh truyền thống, bạn có thể thay thế bằng nhân khoai môn, nhân đậu đỏ, nhân hạt sen….đều rất ngon miệng.

Trên đây là toàn bộ bí quyết giúp bạn hoàn thành những chiếc bánh trung thu thơm ngon bằng nồi chiên không dầu. Khi thưởng thức bánh trung thu, các bạn cũng nên ăn chậm, chia thành các phần nhỏ và tránh ăn lúc đói hay lúc mệt mỏi nhé. Đặc biệt ăn bánh trung thu mà kết hợp uống với trà thì vừa tròn vị vừa tốt cho sức khỏe. Chúc các bạn trổ tài làm bánh thành công!

Theo: Phương Thảo.

Thẻ:

Hoang Nam

Hoang Nam

Hoàng Nam là nhà sáng lập và quản lý blog Noichienkhongdau.com.vn là blog chia sẻ thông tin hữu ích, đầy đủ và chính xác cho độc giả về những sản phẩm nồi chiên không dầu trên thị trường hiện nay. HoangNam với sự đam mê và tâm huyết luôn mong muốn người dùng có thể lựa chọn cho mình được sản phẩm nồi chiên không dầu phù hợp nhất. Tất cả những bài viết trên blog đều được viết với sự khách quan, dễ hiểu và cung cấp thông tin chi tiết. Điều này giúp cho người dùng có thể hiểu rõ và nắm bắt được vấn đề, nhu cầu mình mong muốn. Bên cạnh đó, blog cũng thường xuyên cập nhật các tin tức mới nhất, những xu hướng mới nhất trong cùng lĩnh vực để đem đến cho độc giả những kiến thức và thông tin cập nhật nhất.

Rất mong nhận được đánh giá từ bạn đọc

Để lại lời nhắn

Nồi Chiên Không Dầu
Logo
So sánh sản phẩm
  • Tổng (0)
So sánh
0
Giỏ hàng